Một bé 5 tuổi hôn mê vì hóc thạch

(Dân trí) - Chiều 8/5, một bé trai 5 tuổi được đưa đến khoa Nhi (BV Bạch Mai) cấp cứu trong tình trạng tim rời rạc, không thở... Trong lúc cấp cứu, các bác sĩ phát hiện một miếng thạch to nằm chặn cổ họng của bé.

Một bé 5 tuổi hôn mê vì hóc thạch
Miếng thạch - tác nhân gây nghẹn dẫn đến ngừng thở được lấy ra từ cổ họng bé trai 5 tuổi. Ảnh: BS cung cấp.
Bác sĩ cấp cứu bệnh nhi cho biết, bé được đưa đến viện trong tình trạng tim rời rạc, không thở; khí không vào phổi, lồng ngực không di động khi tiến hành bóp bóng cấp cứu. Lúc tiến hành đặt nội khí quản, bác sĩ đã phát hiện một miếng thạch nằm chắn ngang cổ họng bé và đã lấy được miếng thạch lớn.
Nhiều khả năng khi ăn do không để ý, bé đã nuốt chửng cả miếng thạch nguyên hình trụ. Hiện bé đã được thở máy nhưng tiên lượng rất xấu vì thời gian thiếu ôxy quá dài.
Trước đó, bé được bố đẻ và cô giáo ở trường mầm non đưa đến viện cấp cứu. Cô giáo mầm non cho biết, bé tuy 5 tuổi nhưng vì khiếm thị, đẻ non nên thể trạng chỉ như trẻ lên 3, lên 4. Cả ngày 8/5 tại trường, tình trạng sức khỏe của bé không có gì đặc biệt, ăn ngủ như bình thường. Đến gần giờ chiều về thì con có ăn một miếng thạch. Sau khi ăn, con bị nôn trớ liên tục, rồi người tái nhợt. Ngay lập tức, cô giáo gọi bố bé (đã đến đón con chờ dưới sảnh) đưa bé đi cấp cứu. Quãng đường từ Thịnh Liệt đến BV Bạch Mai hết chừng 10 phút.
Một bé 5 tuổi hôn mê vì hóc thạch
Theo TS Dũng, hóc bất cứ dị vật nào cũng nguy hiểm bởi dị vật chắn vào đường thở của bé, khiến bé nhanh chóng khó thở, suy hô hấp, nhưng hóc thạch nguy hiểm hơn bội lần.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, hóc thạch là hóc dị vật nguy hiểm nhất, bởi miếng thạch mềm, dễ dàng thay đổi hình dáng ôm khít lấy đường thở khiến trẻ ngạt thở nhanh chóng, thiếu ôxy lên não. Khi đến viện, việc gắp dị vật khỏi đường thở cũng rất khó khăn bởi thạch trơn, dễ nát vụn. Tại khoa đã tiếp nhận hàng chục ca hóc thạch, nhưng đến nay mới cứu sống duy nhất trường hợp 14 tháng tuổi ở Bắc Giang.
Và ca lâm sàng hóc thạch được cứu sống hi hữu này cũng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Nhi khoa Việt - Mỹ lần 4 (diễn ra tại Hà Nội). Các chuyên gia nhi khoa Mỹ đánh giá cao thành công này của các bác sĩ Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhi khoa trong nước cũng bày tỏ sự nuối tiếc với các trường hợp hóc dị vật nói chung, hóc dị vật là thạch nói riêng, bởi chính bản thân các bác sĩ gặp các ca hóc dị vật thạch thì phần lớn bệnh nhân đều đã ngừng thở trước khi được đưa đến viện. Ngay cả khi trẻ ở gần bệnh viện thì thời gian đưa được tới viện cũng đã quá muộn bởi chỉ thiếu ôxy não từ 5 - 10 phút là đã ảnh hưởng não bộ.

“Thạch là món ăn không bổ béo gì, lại có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nên tốt nhất, trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi tuyệt đối không nên ăn thạch. Nếu cho con ăn, không nên cho bé cầm cả cái thạch mà nên dùng thìa dằm nhỏ cho vào bát, cốc... trước khi cho trẻ ăn”, TS Dũng nói.

ThS. Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho rằng, thạch là món ăn cực kỳ nguy hiểm với trẻ nhỏ nhưng cha mẹ không biết được nguy cơ này, vẫn mua thạch hình trụ cho trẻ ăn và không ít người lớn chỉ bóc lớp bọc ngoài rồi dùng tay bóp ở chóp đầu vỏ ngoài khiến thạch đẩy vào miệng trẻ rất nhanh, mạnh. Khi miếng thạch trơn trợt đã chui tọt vào cổ họng thì chỉ trong vòng 5 - 10 phút mà không kịp đưa trẻ đến viện là trẻ có thể tử vong vì bị thạch bít toàn bộ đường thở.
“Có những ca bệnh, dù được đặt nội khí quản, các bác sĩ cũng gắp được miếng thạch chẹn ngang đường thở của bé nhưng cũng không thể trả lại cuộc sống bình thường cho trẻ. Vì thiếu ôxy quá lâu, não bị ảnh hưởng nên em bé phải sống thực vật suốt đời, trí tuệ kém phát triển”, BS Nam nói.

Do đó, khi thấy trẻ đang bình thường bỗng có các dấu hiệu ho sặc sụa, ngưng thở, tím tái, trợn mắt thì phải nghĩ ngay bị dị vật đường thở, cần nhanh chóng sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất (hoặc nằm vắt ngang đùi người lớn, bụng chèn vào đùi để đầu dốc xuống đất) rồi dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn, sau đó đưa trẻ đi cấp cứu ngay. Tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, hay vuốt cổ, vuốt ngực trẻ, vì có thể khiến dị vật vào sâu hơn, hoặc làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn.

Hồng Hải