Mốt ăn vàng, uống vàng: Ăn bao nhiêu, thải ra bấy nhiêu

“Chơi” rượu vàng được coi như sang trọng, đang trở thành mốt của một bộ phận xã hội. Một Cty bánh ngọt còn tung ra bánh rắc vàng trong dịp 8/3 vừa qua. Vậy rượu vàng, bánh vàng có thật sang và bổ như lời đồn thổi?

  

Mốt ăn vàng, uống vàng: Ăn bao nhiêu, thải ra bấy nhiêu

Những chiếc bánh, chai rượu dát vàng giá nửa triệu đến cả triệu đồng nhưng không có tác dụng gì với cơ thể. Ảnh: Q.D

 

Hết rượu vàng đến bánh vàng

 

Một cửa hàng rượu ở quận Hoàn Kiếm cho biết: Rượu pha vàng là một trong những mặt hàng bán chạy ở đây, cửa hàng có 2 loại xuất xứ từ Nga và từ Đức. Giá một chai Goldwasser của Đức 700ml có giá 1,4 triệu đồng. Rượu Gold 68 Nga tùy theo thể tích 0,7 - 1l giá thấp hơn 750.000 - 850.000đ/chai. Chị cũng cho hay: Có nơi có cả rượu Sake từ Nhật pha vàng, khoảng 1 triệu đồng/chai. Vàng trong rượu được dát thành các phẩy rất mỏng và nhỏ.

 

Sở dĩ những loại rượu này bán chạy vì người ta đồn rượu có tác dụng chữa cả bệnh. Những loại rượu này được quảng cáo về tác dụng chữa bệnh rất “kêu”. Chỉ cần gõ từ khóa, sẽ thấy không ít những lời mời chào hấp dẫn: “Rượu vàng với 22K vàng lá nguyên chất có tác dụng làm tăng hoạt chất i-on trong máu; có khả năng làm phân huỷ các loại sỏi trong nội tạng; tăng cường sinh lực, tăng thêm hạnh phúc vợ chồng”.

 

Nhân dịp 8/3 vừa qua, một Cty bánh ngọt ở TPHCM tung ra thị trường vài trăm chiếc bánh kem phủ lớp vàng mỏng bên ngoài. Theo GĐ Cty này cho biết: Thử nghiệm ban đầu là trộn vàng vào mứt nên phải nhìn thật kỹ, khách mới nhận ra ánh vàng lấp lánh trong nhân và chưa bắt mắt người mua. Thế nên phía trên bánh còn được điểm xuyết bột vàng để dễ thấy.

 

Vàng không phải là vi chất

 

TS Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Hóa phân tích, Viện Hóa VN, hài hước khi nói về công dụng của rượu vàng: “Do vàng là nguyên tố quý hiếm, biểu tượng cho sự thịnh vượng nên cái gì tốt đẹp, người ta cũng gắn với vàng: Nào là bàn tay vàng, quả bóng vàng, giờ vàng, và giờ đây lại có mốt ăn vàng, uống vàng. Tuy nhiên, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh ăn vàng, uống vàng kim loại là có tác dụng cho sức khỏe.

 

Cũng chưa nhà  khoa học nào nói rằng cần phải bổ sung vi lượng vàng cho cơ thể. Vàng là kim loại rất trơ về hóa học, thậm chí không tan được trong axit clohydric (HCl) đậm đặc. Trong khi đó, HCl trong dạ dày có nồng độ nhỏ hơn so với HCl đậm đặc 1.000 lần. Do vậy, vàng sẽ không thể tan trong dạ dày. Cơ thể không thể hấp thu thì ăn vàng sẽ lại thải ra. Một số kết quả thử nghiệm trên chuột động vật cho thấy, vàng kim loại bị thải hoàn toàn qua phân”.

 

Vì vàng dễ dát mỏng nên cả tổng trọng lượng vàng trong mỗi chai rượu chỉ rất nhỏ. Tính ra mỗi chỉ vàng có thể dát chia đều cho khoảng 40 chai rượu. Với giá thành hiện tại, vàng trong mỗi chai rượu chỉ khoảng 100 nghìn. Thế nhưng, lời đồn về hiệu quả của rượu vàng khiến mỗi chai được bán với giá không hề rẻ. 

 

Nhắc lại sự kiện bánh vàng, theo TS Lợi, trên thế giới giá một chiếc bánh dát vàng có giá cả nghìn USD, vì thế nếu bánh vàng ở VN rẻ hơn nhiều như vậy, khách hàng cần thận trọng. Sẽ nguy hiểm nếu vàng không tinh khiết mà bị lẫn các nguyên tố kim loại nặng khác như đồng, thiếc, niken, thậm chí cả chì và cadimi. Đây là những kim loại nặng rất độc hại với cơ thể.

 

TS Lợi cũng cho hay: Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc Bạch Mai, ở Việt Nam chưa có trường hợp nào ngộ độc kim loại vàng. Uỷ ban Codex hay còn gọi là Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế xếp vàng vào nhóm phụ gia tạo màu có ký hiệu là E175. Trên thế giới, người ta cho chất phụ gia này vào thức ăn với mục đích duy nhất là trang trí, kích thích tâm lý, thị hiếu. Trên thực tế, vàng không phải là vi chất, siêu vi chất và không có nhu cầu đối với cơ thể.

 

Theo Quang Duy

Lao động