Mỗi năm gần 2% trẻ em Việt Nam thoát khỏi suy dinh dưỡng
(Dân trí) - Tròn 10 năm kể từ khi thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, tỉ lệ SDD TE đã giảm từ 38,7% xuống còn 19,9%, tương đương với 1,4 triệu trẻ thoát khỏi SDD.
Cho trẻ uống vitamin A trong ngày vi chất dinh dưỡng (Ảnh: H.Hải)
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, khi còn tới 32,6% trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi. Mà theo TS Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để khắc phục SDD thể thấp còi, khó khăn hơn rất nhiều lần so với SDD thể nhẹ cân.
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm chương trình mục tiêu phòng chống SDD TE Việt Nam diễn ra sáng nay (23/12) tại Hà Nội, TS Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Trong 10 năm qua, các hoạt động của chương trình mục tiêu phòng chống SDD trẻ em đã được triển khai đồng bộ đến các xã phường trên toàn quốc và mang lại những hiệu quả tích cực. Mục tiêu giảm tỉ lệ SDD trẻ em đã đạt và vượt 2 năm so với mục đã đề ra của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010" (Chỉ tiêu cụ thể là đến năm 2010 giảm tỷ lệ trẻ SDD ở thể nhẹ cân trên cả nước xuống dưới 20%. Thanh toán SDD thể nhẹ cân trên 30% ở tất cả các tỉnh và vùng sinh thái trên cả nước, giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 25%).
Tuy nhiên, để duy trì mục tiêu giảm SDD thể nhẹ cân một cách bền vững (đến 2020 giảm xuống dưới 10%), đặc biệt là giảm SDD thể thấp còi góp phần nâng cao tầm vóc người Việt Nam thì ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện tổng thể các biện pháp, trong đó, chiến lược can thiệp dinh dưỡng sớm và đặc hiệu, ngay từ giai đoạn tiền thai của người phụ nữ và với trẻ em trong hai năm đầu đời là rất quan trọng. Đồng thời, sẽ tăng cường các giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ (bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em 6-60 tháng tuổi, bổ sung viên sắt folic cho phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ; tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm...); Triển khai các giải pháp can thiệp đặc hiệu (bổ sung đa vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và bà mẹ), can thiệp toàn diện cho những vùng khó khăn, có tỷ lệ SDD cao...; Theo dõi tăng trưởng về chiều cao và giám sát tỷ lệ SDD thể thấp còi và giám sát tình hình thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng...
Hồng Hải