Mổ trĩ không đau?
(Dân trí) - Dù rất đau đớn, khó chịu vì búi trĩ sa xuống, nhưng nhiều người bệnh vừa nghĩ đến cắt trĩ đã “nổi da gà” vì cảm giác đau sau khi phẫu thuật được ví như có thuỷ tinh cứa vào vùng hậu môn.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch hội Hậu môn trực tràng học VN, Giám Ðốc TT Hậu môn học, Bệnh viện Tràng An cho biết, điều trị trĩ có nhiều phương pháp khác nhau, từ nội khoa, vật lý… nhưng trên thực tế, phẫu thuật vẫn là phương pháp ưu việt nhất trong điều trị trĩ, giúp người bệnh không bị tái lại. Tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt, phẫu thuật cắt trĩ nghe tưởng như đơn giản, nhưng lại làm người bệnh rất đau sau mổ, nhất là ở những lần đi ngoài đầu tiên.
Không chỉ đau sau mổ, mà một số trường hợp mổ trĩ thắt có thể lồi ra một cục nhỏ cạnh hậu môn, phải sau 3 - 6 tháng teo đi. Tuy cục nhỏ này không gây đau đáng kể nhưng người bệnh nhân rất khó chịu vì tưởng là còn trĩ.
“Bệnh nhân mổ trĩ thường đau sau khi mổ, nhất là ở những lần đi ngoài đầu tiên là do vết mổ nằm ngay ở vùng lược da cạnh hậu môn, là vùng rất nhạy cảm. Ngoài ra, bị đau do đây là vùng chịu ảnh hưởng của nhiễm khuẩn do phân, dịch ruột thường xuyên đi qua cũng như yếu tố co thắt của cơ tròn. Hơn nữa, đau còn là nguyên nhân của những rối loạn khác - nhất là vấn đề tiểu tiện”, PGS Nhâm nói.
Tuy nhiên, hiện nay, phương pháp mổ trĩ mới Longo được đưa vào áp dụng tại nhiều bệnh viện đã khắc phục được đáng kể những nhược điểm của các phương pháp cũ.
Thay vì cắt bên mép hậu môn và lấy trĩ khiến vết thương rất đau và lâu liền (thường mất khoảng 8 -12 tuần), phương pháp Longo sẽ cắt và khâu bằng máy ở bên trong lỗ hậu môn (phẫu thuật nội soi khâu vòng bằng máy bấm. Nguyên tắc của phương pháp phẫu thuật này là phẫu thuật viên sử dụng dụng cụ để cắt và khâu một khoanh niêm mạc trên đường lược. Cắt khoanh niêm mạc nhằm mục đích giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ để thu nhỏ thể tích trĩ. Tiếp đó sẽ khâu nối hai đầu niêm mạc đã cắt treo được đệm hậu môn vào ống hậu môn. Hai động tác cắt và khâu này làm cho búi trĩ không còn chảy máu và không sa ra ngoài hậu môn.
Phương pháp này được ưa chuộng vì không đau do các thao tác được thực hiện ở vùng không có cảm giác đau và rất nhanh chóng. Chỉ sau 10 - 15 phút, ca phẫu thuật đã hoàn thành. Người bệnh không phải nằm viện lâu, thậm chí sau phẫu thuật vài tiếng là có thể về nhà và trở lại làm việc bình thường sau 1 - 5 ngày.
“Không chỉ có ưu điểm nhanh chóng, không đau, mà quan trọng hơn, nó có thể áp dụng cho mọi đối tượng, từ người bị huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng... ổn định đều có thể được phẫu thuật trĩ bằng phương pháp Longo. Hơn nữa, phương pháp này rất hiệu quả với tỷ lệ tái phát thấp 5 - 7% sau 5 - 10 năm”, PGS Nhâm nói.
PGS Nhâm cho biết thêm, phương pháp này đặc biệt thích hợp với các loại trĩ có biến chứng độ 3 và 4, trĩ nội lớn, trĩ vòng...Tuy nhiên, nếu bệnh nhân để búi trĩ quá lâu hoặc để đến lúc quá đau đớn, không thể đi đại tiện được nữa mới đi khám thì lúc đó có khi búi trĩ đã quá to, hoặc tắc mạch, hoặc có thêm các biến chứng khác như nứt hậu môn… thì có thể không áp dụng được phương pháp Longo để phẫu thuật mà vẫn phải áp dụng phương pháp truyền thống.
Sau khi mổ trĩ, mọi người cần lao động nhẹ nhàng trong vòng 1 tháng, không được ngồi xổm, không chạy nhẩy hay mang vác nặng, vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi đại tiện cần rửa sạch và ngâm hậu môn 15 phút trong nước ấm.
Tuy nhiên, chi phí cho một ca phẫu thuật trĩ bằng phương pháp Longo là khá cao, từ 9 - 12 triệu đồng.
Hồng Hải