Mổ tim không cưa xương ức: Không ai biết 700 bệnh nhi trải qua đại phẫu

Hồng Hải

(Dân trí) - Vừa lọt lòng, bé gái N.H.T. đã mắc bệnh thông liên thất. "Tôi đã khóc hết nước mắt khi hình dung vết rạch dài ở ngực bé. Không ngờ, hiện nhìn bé, không ai nghĩ con trải qua cuộc đại phẫu".

Bệnh nhi không có sẹo giữa ngực sau mổ tim

Sáng 7/8, chờ bác sĩ khám cho con gái trước khi xuất viện, chị N.T.A. (Ý Yên, Nam Định) không giấu nổi niềm vui, vì con sắp được về nhà, lành lặn, khỏe mạnh. "Cởi áo bé ra, không ai nhìn thấy vết mổ cưa xương ức như mọi người tưởng, khi bé được chẩn đoán bệnh thông liên thất", chị A. chia sẻ.

Bé N.H.T (3 tháng tuổi) mới được phẫu thuật chữa bệnh thông liên thất nhờ phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách.

"Cả đời tôi không nghĩ mổ tim lại qua đường nách. Chúng tôi cứ nghĩ con sẽ có vết mổ dài dọc ngực. Khi đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, các bác sĩ đã giải thích, nhưng chúng tôi vẫn cứ thấp thỏm. Đến khi con mổ xong, hết hậu phẫu được vào nhìn con, tôi thực sự òa khóc vì con ổn", chị A. nói.

Mổ tim không cưa xương ức: Không ai biết 700 bệnh nhi trải qua đại phẫu - 1

Sau ca mổ thông liên thất, dù mặc áo hở ngực cũng không ai nhìn ra em bé vừa trải qua một cuộc đại phẫu (Ảnh: Lam Lam).

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bé N.H.T. là ca mổ thứ 690 bằng kỹ thuật ít xâm lấn qua đường nách được thực hiện tại bệnh viện.

Mổ tim không cưa xương ức: Không ai biết 700 bệnh nhi trải qua đại phẫu - 2

Bác sĩ kiểm tra cho bệnh nhi trước khi xuất viện. Bệnh nhi này được mổ tim 9 ngày trước bằng kỹ thuật ít xâm lấn (Ảnh: Lam Lam).

Trong ngày 7/8, ca phẫu thuật thứ 700 cũng được thực hiện thành công, sau 6 giờ phẫu thuật. Đặc biệt hơn, ca phẫu thuật thứ 700 có sự tham gia của Giáo sư Yasuhiro Kotani, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Okayama - người chuyển giao kỹ thuật này cho Việt Nam.

Ca phẫu thuật thứ 700 là bệnh nhi 10 tháng tuổi, nặng 5,5 kg mắc tứ chứng Fallot ở mức độ nhẹ. Ca mổ thành công, kết thúc vào lúc 15 giờ ngày 7/8.

Bất ngờ với mổ tim kiểu Nhật: Không còn phải cưa xương ức

Tiến sĩ Trường cho biết, ông và các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Nhi được học kỹ thuật mổ tim qua đường nách từ Giáo sư Yasuhiro Kotani từ 5 năm trước.

"Giáo sư Yasuhiro Kotani đã "cầm tay chỉ việc", cùng các bác sĩ mổ liền 2 ca bệnh lý thông liên thất qua đường mổ từ nách. Chúng tôi bất ngờ, hứng thú vì một kỹ thuật mổ mới khác hoàn toàn với đường mổ truyền thống là cưa xương ức", tiến sĩ Trường chia sẻ.

Tiến sĩ Trường thông tin thêm, trước năm 2018, tất cả bệnh nhi mắc bệnh lý tim bẩm sinh, đều chỉ có một đường mổ duy nhất là đường rạch giữa ngực, cưa xương ức, để lại vết sẹo thành ngực lớn và thời gian hậu phẫu dài, trẻ phải chịu đau đớn sau mổ.

Còn với kỹ thuật mới này, mổ tim từ đường nách phải, xâm lấn ít hơn, trẻ không phải chịu vết sẹo mổ giữa ngực suốt đời. Tuy nhiên, kỹ thuật mới là một thách thức. Ngay sau khi được chuyển giao, từ năm 2018, Trung tâm Tim mạch Nhi đã thực hiện thành công phương pháp này.

"Tuy nhiên, việc chỉ định chặt chẽ. Bởi nếu không thể sửa chữa tất cả tổn thương của bệnh nhi như đường mổ giữa, thì việc mổ qua đường nách sẽ thất bại. Đó là lý do bác sĩ chỉ định chặt, chỉ khi đánh giá tổn thương trong tim được sửa chữa như phẫu thuật đường giữa thì mới chỉ định kỹ thuật này", Tiến sĩ Trường chia sẻ.

Đến nay, kỹ thuật này được triển khai cho các bệnh nhi mắc bệnh lý thông liên thất, bệnh lý thông liên nhĩ, bệnh lý thông sàn nhĩ thất bán phần, bệnh lý bất thường trở về tĩnh mạch phổi bán phần bên phải, bệnh lý hẹp van động mạch phổi hoặc hẹp trên van động mạch phổi, và một số các bất thường khác như u nhầy nhĩ trái, màng ngăn nhĩ trái…

700 ca phẫu thuật tim qua đường nách thành công

Sau ca mổ thứ 700 thực hiện cùng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Nhi, Giáo sư Yasuhiro Kotani chia sẻ, ông ấn tượng với con số 700 ca thực hiện và từng đó ca thành công, không có ca nào biến chứng nặng và tử vong của các bác sĩ Việt Nam.

Mổ tim không cưa xương ức: Không ai biết 700 bệnh nhi trải qua đại phẫu - 3

Giáo sư người Nhật (bên phải) cùng Tiến sĩ Trường sau khi thực hiện thành công ca mổ tim thứ 700 qua đường nách tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: Lam Lam).

"Tôi đi nhiều nơi trên thế giới nhưng không có nhiều bệnh viện tiến hành phẫu thuật qua đường nách. Tại Bệnh viện Đại học Okayama, từ năm 2010 đến nay có khoảng 100 bệnh nhi tại đây được triển khai phẫu thuật bằng kỹ thuật này", Giáo sư người Nhật chia sẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện thực hiện mổ ít xâm lấn cho đường nách phải cho 700 bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh thành công, không ca nào tử vong, tỷ lệ biến chứng nặng rất thấp.

Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được áp dụng thành công kỹ thuật này là 1,5 tháng tuổi và bệnh nhân cân nặng thấp nhất được áp dụng thành công kỹ thuật này có cân nặng là 3,8kg.

Theo bác sĩ Tùng, với phương pháp này, các bệnh nhi tránh được đường mổ dọc giữa ngực, cưa xương ức để lại sẹo suốt đời.

Đường vào để mổ tim là đường dọc giữa nách bên phải mang lại tính thẩm mỹ cao, vết sẹo mổ ngắn và được che khuất hoàn toàn dưới nách bên phải, rút ngắn thời gian phục hồi. 

"Phần lớn các bệnh nhân đều được rút ống nội khí quản trong vòng 6 giờ đầu sau phẫu thuật và có thể rút ống nội khí quản đồng thời tự thở ngay tại phòng mổ sau phẫu thuật", Tiến sĩ Tùng nói.

Đặc biệt, Tiến sĩ Trường thông tin thêm, các bác sĩ Việt Nam đã có sự cải tiến về kỹ thuật.

"Trước đây, khi chuyển giao, đường mổ ở nách dài khoảng 6cm thì nay chúng tôi thu gọn đường mổ, chỉ còn khoảng 4cm. Các bác sĩ cũng rút ngắn thời gian hồi sức, rút ngắn thời gian thở máy, bệnh nhi giảm đau sau mổ tốt hơn", Tiến sĩ trường thông tin.

Giáo sư Yasuhiro Kotani cho biết, kỹ thuật mổ tim qua đường nách phải là một kỹ thuật yêu cầu tay nghề cao, để làm sao chất lượng phẫu thuật mổ bằng đường bên nách tốt như chất lượng mổ giữa. Ông cũng bày tỏ ấn tượng về sự sáng tạo, giỏi giang của các bác sĩ Việt Nam khi rút ngắn đường mổ, thời gian hậu phẫu.

Tiến sĩ Trường cho biết, hiện Trung tâm Tim mạch có 4 phẫu thuật viên có kinh nghiệm triển khai kỹ thuật này.

Bệnh viện Nhi Trung ương mới chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách cho Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, ở nhóm bệnh thông nhĩ. Các bệnh lý khác như thông liên thất và các bệnh lý tim khác cần có thêm thời gian, đòi hỏi tay nghề bác sĩ giỏi mới có thể chuyển giao.