Mổ thịt lợn ốm, người nuôi nhiễm liên cầu nguy kịch
(Dân trí) - Thấy con lợn nuôi bị ốm, ông Đ.V.K (51 tuổi, Thanh Hóa) liền tự mổ thịt và chế biến. Sau 4 ngày mổ thịt lợn ốm, ông K. sốt cao liên tục, xuất hiện ban hoại tử chân tay và được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn.
BS Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, bệnh nhân Đ.V.K được chuyển đến BV Nhiệt đới Trung ương hôm 14/8 trong tình trạng sốc, hôn mê, suy gan suy thận.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn và nhanh chóng được cấp cứu, hồi sức tích cực, thở máy.
Đến nay bệnh nhân K. vẫn còn hôn mê, suy thận, rối loạn đông máu.
Theo BS Cấp, tiết canh là nguyên nhân gây ra 70% ca nhiễm liên cầu lợn còn lại là qua giết mổ, tiếp xúc và ăn thịt lợn chưa được nấu chín. Do khi giết mổ lợn, tiếp xúc (vệ sinh chuồng trại), chế biến thịt lợn nhiễm liên cầu…. vi khuẩn cũng có thể lây bệnh qua các vết xước.
Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Điều đáng nói biểu hiện ban đầu của bệnh dễ lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thông thường (sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài nhưng không đi nhiều lần nên chỉ khi cơ thể xuất hiện các ban hoại tử (do nhiễm khuẩn huyết) hoặc rơi vào tình trạng hôn mê, li bì, tri giác lơ mơ… gia đình mới đưa đến viện. Lúc này cơ hội cứu chữa rất thấp.
Ngoài gây bệnh lý nguy kịch tính mạng, căn bệnh này cũng để lại nhiều di chứng. Trong đó, đến 40% bệnh nhân có biểu hiện giảm thính lực, thậm chí bị điếc vĩnh viễn.
Thêm một điểm cần lưu ý là người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại do không để lại miễn dịch lâu dài.
Vì thế, để phòng liên cầu lợn, tuyệt đối không ăn tiết canh, ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín. Khi giết thịt, chế biến, vệ sinh chuồng trại cần có phương tiện bảo hộ phù hợp. Đặc biệt với lợn ốm càng không nên giết thịt.
Hồng Hải