1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mở rộng kiểm tra tiền sử tiêm chủng, tiêm chủng bù liều cho học sinh

Hồng Hải

(Dân trí) - Năm 2023, kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều cho các trẻ nhập học mầm non, tiểu học được thí điểm tại 12 tỉnh. Năm 2024 chương trình được mở rộng, năm 2025 thực hiện trên toàn quốc.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc kiểm tra tiền sử tiêm chủng, tiêm chủng bù liều sẽ cho học sinh mầm non, tiểu học... sẽ được mở rộng đến 30%-50% tỉnh, thành trong năm 2024 và sẽ triển khai trên cả nước từ 2025.

Mở rộng kiểm tra tiền sử tiêm chủng, tiêm chủng bù liều cho học sinh - 1

Tiêm vaccine cho trẻ (Ảnh minh họa: Getty).

Về việc kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù liều, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia triển khai  hoạt động này ở lứa tuổi mầm non, học sinh tiểu học, nhằm đảm bảo  các mục tiêu loại trừ bệnh sởi, rubella, viêm gan B và nhiều bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng.

"Đến nay, việc kiểm tra tiền sử và tiêm chủng cho trẻ khi nhập học đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…

Với cách tiếp cận này nhiều quốc gia đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi, rubella và ghi nhận những hiệu quả tích cực trong phòng ngừa dịch bệnh cũng như tiết kiệm nguồn lực so với việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt cho tất cả trẻ em trong cộng đồng", PGS Hồng thông tin.

Tại Việt Nam, các bệnh có vaccine phòng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây lan cao và gây dịch. Đến nay, tiêm chủng vaccine là một trong những biện pháp kinh tế và hiệu quả nhất để nâng cao miễn dịch cộng đồng, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, biến chứng hoặc tử vong do bệnh.

Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi hàng năm đạt 95% trên phạm vi toàn quốc nhưng trên quy mô huyện hàng năm vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp dưới 90%.

Theo uớc tính với từng loại vaccine trong chương trình TCMR trung bình hàng năm có 100.000-200.000 trẻ không được tiêm chủng đủ mũi các vaccine.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tiêm chủng, khiến tỷ lệ tiêm chủng nhiều vaccine mức thấp trong vòng hơn 30 năm qua.

Theo PGS Hồng, việc tích lũy gia tăng số trẻ không có miễn dịch do chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi qua các năm là yếu tố quan trọng gây dịch nếu có sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh.

Dịch sởi trên toàn quốc vẫn diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm với hàng chục ngàn ca mắc. Đối với bệnh bại liệt, nguy cơ virus hoang dại xâm nhập vào nước ta trong bối cảnh căn bệnh này chưa được thanh toán trên toàn cầu đồng thời với nguy cơ virus vaccine biến đổi di truyền quay trở lại độc tố là hiện hữa trong khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine bại liệt trong cộng đồng bị giảm xuống.

Các dịch các bệnh bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản B… có nguy cơ tái diễn; tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em còn ở mức cao.

Vì vậy cần có các biện pháp can thiệp nhằm làm giảm số trẻ cảm nhiễm trước khi dịch bùng phát để chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe trẻ em, duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, viêm gan B.

Trong khi đó, tại trường học là nơi tập trung số lượng lớn trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nguy cơ lây truyền dịch bệnh là không nhỏ.

"Triển khai hàng năm hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vaccine khi nhập học cho những trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi sẽ giúp can thiệp đúng đối tượng, thu hẹp khoảng trống miễn dịch kịp thời, không để dịch xảy ra, góp phần tiết kiệm nguồn lực về con người, vaccine chủ động là biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe trẻ em", PGS Hồng đánh giá.