Mổ đẻ: Khoa học hay mê tín?

Mổ đẻ theo chỉ định là bình thường nếu mổ đẻ đơn giản là để cho… đỡ đau, hay chọn "giờ vàng" để sinh quý tử của một số người mê tín đã dẫn đến những nguy cơ xâm hại nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng cho trẻ cũng như các sản phụ.

Một thứ "mốt" tai hại!

 

Sáng 24/10, tại khu vực phòng khám thai của Bệnh viện Phụ sản T.Ư, hàng nghìn sản phụ đang xếp hàng chờ đến lượt. Điều đáng nói là, phần đa những sản phụ nói trên đều đến bệnh viện này để đăng ký mổ đẻ trong tình trạng thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh, không có biến chứng hay dấu hiệu bất thường.

 

Những ghi nhận của Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho thấy, hầu hết các bệnh viện từ tuyến huyện, tỉnh, đến T.Ư trong cả nước đều có xu hướng tăng tỷ lệ mổ đẻ. Nhưng đáng lo ngại chính là, những ca mổ đẻ này đang tăng nhanh với tốc độ chóng mặt, không thể kiểm soát và ngày càng xa rời các chỉ định của ngành y.

 

Điểm nóng của tình trạng này có thể nói tới các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi ở đây có nhiều thời điểm tỷ lệ mổ đẻ chiếm tới 60% các ca sinh nở.

  

Con số thấp hơn như ở Bệnh viện TP Hồ Chí Minh các ca mổ đẻ cũng chiếm trên 30%. Riêng Bệnh viện Phụ sản T.Ư, tỷ lệ mổ đẻ thường xuyên chiếm tỷ lệ từ 35% - 40%, thậm chí, có thời điểm lên tới 50%. Hoặc ở một địa phương khác như ghi nhận ở Bệnh viện Đà Nẵng, tỷ lệ này cũng trên 40% ca mổ đẻ. Trong khi đó, mức trung bình trên thế giới chỉ chiếm trên 10% tổng số các ca sinh.

 

Có nhiều lý do để lý giải cho hiện tượng này nhưng theo các chuyên gia y tế, nhiều sản phụ trẻ đã coi việc mổ đẻ như một thứ "mốt" thời thượng và họ không cần biết đến những hậu quả khôn lường của nó.

 

Trên thực tế, những con số thống kê tại các bệnh viện lớn cho thấy, phần lớn những ca mổ đẻ đều tập trung ở các sản phụ trẻ tuổi, hoặc sinh con lần đầu. Tệ hại hơn, nếu như các sản phụ sinh con theo chỉ định của các bác sĩ thì không có gì đáng nói, nhưng lại xuất hiện những ca mổ đẻ chỉ đơn giản như: "Thấy nhiều người mổ đẻ mình cũng mổ đẻ"; "Mổ đẻ cho đỡ đau" hoặc mổ đẻ theo yêu cầu của người thân, nhất là từ phía người mẹ, thậm chí còn là sự mê tín khi cho rằng, thông qua việc mổ đẻ, gia đình sẽ lựa chọn được ngày tháng, năm sinh "đẹp", "giờ vàng", "giờ hoàng đạo" để sinh "quý tử"...

 

Trường hợp chị Nguyễn Thị Thu ở Kinh Môn, Hải Dương là một ví dụ. Chị Thu kể: "Vài năm gần đây, tôi thấy người ta mổ đẻ nhiều lắm! Họ bảo, sinh con bằng biện pháp này không đau đớn gì cả, con cái lại an toàn tuyệt đối, thế nên, tôi cũng theo họ mổ để cho yên tâm".

 

Cũng là một ca mổ đẻ nhưng với trường hợp của chị Hải Hà, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội thì chỉ đơn giản là sinh đúng ngày đã ấn định cho hợp tuổi bố mẹ. Chị Hà không ngần ngại chia sẻ: "Tuần trước, tôi cùng mẹ đi xem bói để chọn "giờ vàng" sinh cháu. Thầy bảo, đến đúng 8 tháng 28 ngày, đứa bé phải được chào đời thì sẽ hợp tuổi làm ăn với bố mẹ, gia đình nhanh chóng được hưởng vinh hoa, phú quý, con cái công thành, danh toại...". Nghe "thầy" phán vậy, chị Hà đã về bàn bạc cùng chồng và quyết định mổ khi thai nhi mới sấp sỉ 9 tháng tuổi.

 

Hay tâm sự của chị Dương Quỳnh, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng là một điển hình về sự tùy tiện trong việc lựa chọn phương pháp sinh nở: "Có lần tôi vào bệnh viện thăm đứa bạn cùng cơ quan. Khi đi qua khoa sản, tôi nghe thấy nhiều tiếng kêu khóc, la hét thảm thiết của các sản phụ khi sinh. Hoảng quá, khi đến lượt tôi sinh cháu, tôi nằng nặc yêu cầu các bác sĩ phải phẫu thuật cho tôi, chứ nhất quyết tôi không sinh theo con đường tự nhiên".

 

Bên cạnh những lý do đó, trong vài năm gần đây, với áp lực, ảnh hưởng của công việc, nguồn dinh dưỡng, sinh hoạt... tỷ lệ các cặp vợ chồng hiếm muộn ngày càng gia tăng, từ đó dẫn đến việc những đôi uyên ương này áp dụng các biện pháp sinh nở theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng là nguyên nhân làm cho số sản phụ sinh bằng phẫu thuạt ngày một nhiều hơn.

 

Mổ đẻ là một biện pháp phẫu thuật thông thường và hay gặp trong sản khoa. Để tiến hành ca phẫu thuật này, các bác sĩ cũng như sản phụ phải tuân thủ nghiêm chỉnh những quy định khá chặt chẽ của ngành y về chuyên môn. Cụ thể, các y bác sĩ chỉ được tiến hành trong trường hợp việc sinh đẻ tự nhiên không đảm an toàn cho mẹ hoặc con hay cho cả hai.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, để thỏa mãn yêu cầu từ phía các sản phụ và gia đình bệnh nhân, nhiều ca mổ đẻ đã vượt qua những ranh giới cả về giá trị đạo đức, những yêu cầu về y học... từ đó có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc mà ngay cả các bác sĩ giỏi nhất cũng không tiên lượng được.

Giải pháp để ... né rắc rối?

 

Theo TS. Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, việc sinh con thông qua phẫu thuật có những ưu thế nhất định so với sinh tự nhiên, nhất là sẽ giải quyết được những "rắc rối" có thể gặp phải trong quá trình sinh nở của các sản phụ.

 

Đứng về phía chuyên môn, các bác sỹ sản khoa thường rất "ngại" và lo lắng khi xảy ra những sự cố, rủi ro trong các lần chuyển dạ, sinh nở, nhất là khi, những bác sĩ này không nhận được sự thông cảm từ phía thân nhân, gia đình sản phụ. Bởi lẽ đó, ông Tiến cho rằng, để tránh những sự cố trên, các chỉ định cho việc mổ lấy thai vô hình chung được nới rộng.

 

Tiếp tục trao đổi về những nguyên nhân gia tăng tình trạng mổ đẻ, ông Tiến thẳng thắn phân tích, ranh giới giữa việc quyết định mổ đẻ, hay đẻ thông thường cũng rất mong manh, dễ bị phá vỡ. Điều này thể hiện rõ nét ở các trường hợp trong quá trình theo dõi chuyển dạ, các bác sĩ có thể gặp những dấu hiệu bất thường, như cổ tử cung của sản phụ tiến triển không tốt, không tiến triển theo cuộc chuyển dạ.

 

Thậm chí, nhiều trường hợp trong quá trình chuyển dạ, thai bị suy, thai xuống không thuận lợi, có ngôi bất thường, như ngôi trái, ngôi mặt, cằm sau... từ đó, các bác sĩ chỉ có thể quyết định ở những thời điểm cuối cùng. Và khi rơi vào hoàn cảnh trên, các bác sĩ rất "khó ăn khó nói" với thân nhân cũng như các sản phụ, bởi tâm lý những người mẹ này muốn được biết ngay trường hợp của mình có được mổ đẻ hay không. Với những sức ép trên, không ít trường hợp sinh mổ nhưng chỉ định chỉ còn mang tính tương đối.

 

Ngoài những lý do trên, theo nhận định của TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Bệnh viện Nhi T.Ư, việc lựa chọn mổ đẻ xuất phát từ nhận thức của nhiều gia đình hay bản thân các sản phụ khi cho rằng, phương pháp mổ đẻ là tối ưu nhất, an toàn cho cả mẹ và con. Thậm chí, còn có những quan điểm khá "mới lạ" khi cho rằng việc sinh con bằng biện pháp phẫu thuật sẽ làm cho đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn hơn so với các trường hợp sinh đẻ thông thường.

 

Nhìn nhận dưới góc độ luật pháp, bào thai không phải là đối tượng điều chỉnh (chủ thể) của nhiều văn bản pháp luật. Trên thực tế, cũng chưa có điều luật nào quy định một cách chi tiết và đầy đủ về vấn đề này, do đó, chưa thể xác định một cách chính xác, việc tùy tiện can thiệp với thai nhi có là hành vi phạm pháp hay làm ảnh hưởng lớn gì tới sức khỏe của thai nhi và sản phụ hay không.

 

Tuy nhiên, dưới góc độ y học, theo TS Nguyễn Việt Tiến, có thể tiến hành các ca mổ đẻ trước từ 3 đến 4 tuần tuổi, thậm chí, khi trẻ mới 38 tuần tuổi, miễn sao đảm bảo theo tiêu chuẩn, chỉ định của ngành y. Nhưng, bản thân ông Tiến cũng như nhiều chuyên gia y tế đều đồng ý rằng, việc can thiệp thai nhi sớm, chắc chắn làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của bào thai và cũng như đứa trẻ sau này.

 

Đặc biệt, các sản phụ cũng như đứa trẻ có thể phải đối mặt với những phản ứng, như suy hô hấp, ngừng thở ở cả mẹ và con. Riêng với thai nhi, có thể kèm xuất hiện những phản ứng bất thình lình làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não và hệ thống thần kinh. Nguy hiểm hơn, có thể dẫn đến những biến chứng cho lần mang thai sau, nhất là nguy cơ chửa ngoài dạ con, vỡ tử cung ở mẹ...

 

Dù luôn có những ca cảnh báo về việc mổ đẻ không theo chỉ định có thể dẫn đến những hệ lụy nhãn tiền nhưng xem ra, những lời cảnh báo vẫn là chưa đủ để ngăn chặn tình trạng mổ đẻ tràn lan. Và do vậy, không ít sản phụ cũng như những thân nhân của họ vẫn đi tìm những lý do để "hợp lý hóa" việc mổ đẻ của mình.

 

Theo afamily/PL&XH