Miếng lót tự kiểm tra vú: Không thể phát hiện ung thư
Trên một số phương tiện thông tin đại chúng và tờ rơi gần đây có quảng cáo miếng lót tự kiểm tra vú có tên Sensability, giúp phát hiện sớm các khối u nhỏ. Vì quá tin, nhiều người đã mua về sử dụng. Nhưng theo các chuyên gia, cẩn thận kẻo tiền mất tật mang.
Dọa người tiêu dùng để bán hàng?
Lúc vào viện Bạch Mai thăm người thân, chị Quỳnh Nga (Lò Đúc, Hà Nội) được phát tờ rơi quảng cáo về một miếng dán tự phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm. Trong đó, bên trên cảnh báo về tỷ lệ mắc ung thư vú, bên dưới nói về bộ dụng cụ Sensabiliy có khả năng phát hiện những khối u rất nhỏ.
Vì quá tin, chị Nga bỏ ra 380.000đ mua về dùng thử. Nhưng khi sử dụng, chị mới thấy mình đã bị “lừa”. Vì đó chỉ là một miếng lót nhựa và một cái đĩa hướng dẫn tự khám vú bằng tay, sau đó đưa sản phẩm vào khám lại, chẳng có tác dụng gì cả...
Thậm chí, chất Sensability được quảng cáo trên tờ rơi là có khả năng phát hiện ung thư vú còn được dùng trong xây dựng để tránh thấm dột...
Trả lời phóng viên về sản phẩm này, bà Đỗ Thị Phượng, cán bộ phụ trách sản phẩm của Công ty TNHH Sống Đẹp, đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm tại Việt Nam xác nhận: Hai miếng ghép này không phát hiện ra ung thư vú. Chất Sensability cũng không có khả năng phát hiện ra ung thư vú. Hai miếng ghép này có độ trượt lên nhau nên khi kiểm tra vú, nếu có bất cứ khối u nào, dù là nhỏ cũng có thể phát hiện được nhờ độ trượt của 2 miếng ghép.
Ngoài chất Sensability (miếng ghép) này ra, bên trong còn có 1 chất lỏng giúp 2 miếng lót trượt lên nhau. Chất lỏng đó là silicon cao cấp dùng trong thẩm mỹ giúp tăng độ cảm nhận tốt hơn khi dùng bằng tay không...
Còn câu hỏi: “Sản phẩm này đã được thử nghiệm trên lâm sàng như thế nào? Kết quả ra sao?”, phía công ty đã không đưa ra con số nghiên cứu mà lại đưa ra cách thử nghiệm bằng cách bỏ vài sợi tóc lên mặt bàn, dùng tay sờ lên sợi tóc sẽ không cảm nhận rõ bằng dùng miếng lót để phát hiện ra sợi tóc để trên mặt bàn. Hoặc có thể dùng đường cát bỏ lên mặt bàn và thử tương tự...
Tự kiểm tra bằng tay là đủ
ThS. Phan Lê Thắng, Phó trưởng khoa Ngoại D, bệnh viện K, cho biết: “Hiện khoa học trên thế giới chưa công nhận bất kỳ một sản phẩm dán nào có thể phát hiện sớm ung thư, kể cả ung thư vú. Do đó, không nhất thiết phải bỏ ra một số tiền lớn như vật để mua sản phẩm và thực tế không biết, liệu các chất có trong miếng dán có đảm bảo không gây hại.
Cách tốt nhất là tự khám vú bằng tay và khi có sự nghi ngờ thì nên đi chụp bằng phương pháp Niamography rất đơn giản, có thể phát hiện cả các nốt mới chỉ bị canxi hóa mà giá thành chỉ có khoảng 40.000đ”.
GS.TS Nguyễn Ngọc Kha khẳng định: “90% các khối u vú được phát hiện bởi tay người phụ nữ nên tốt nhất là hàng tháng, sau kỳ kinh, đứng trước gương và tự khám”.
PGS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật thẩm mỹ, ĐH Y Hà Nội, khẳng định: “Độ nhạy không thể tăng lên qua 2 miếng nhựa so với việc ma sát trực tiếp bằng tay được. Đặc biệt, chất silicon không có tác dụng gì làm tăng độ nhạy trong thăm khám. Khi sử dụng phải rất cẩn thận vì nếu chất silicon rò rỉ có thể gây hại cho người sử dụng, nhất là người có cơ địa dị ứng”.
Theo Nhật Hà
Khoa học & Đời sống