Miền Bắc: Trẻ bị bệnh hô hấp tăng đột biến
Thời tiết miền Bắc đang nóng bức như mùa hè bỗng trở rét chỉ sau một ngày, khiến số trẻ nhập viện do các bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi tại Bệnh viện Nhi TƯ tăng đột biến.
Ngày 3/4, tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi TƯ), người lớn, trẻ em ngồi la liệt trên ghế phòng chờ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc - Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi TƯ cho biết, bệnh viêm phế quản cấp do siêu vi là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em khi thời tiết diễn biến bất thường.
Bệnh biểu hiện với các triệu chứng ban đầu là ho khan rồi kéo dài và tăng dần nhưng không có đờm. Cơn ho thường dai dẳng và sau đó xuất hiện đờm.
Sau khoảng 7 - 10 ngày, cơn ho mới giảm dần. Nếu không phân biệt và xử lý đúng, bệnh có thể gây biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi. Thời tiết thay đổi, đặc biệt là trời lạnh là nguyên nhân khiến những người có sẵn bệnh hen tái phát bệnh.
Bác sĩ Lộc cho biết thêm, bệnh viêm đường hô hấp do virus có những đặc điểm như sốt, ớn lạnh hoặc lạnh, nhức đầu, đau toàn thân, mệt mỏi, chán ăn. Đôi khi trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa.
Thống kê của BV Nhi TƯ cho thấy, trẻ dưới 6 tháng tuổi, tỷ lệ mắc bệnh chiếm 60-70% và trên 6 tháng tuổi chiếm 30%. Đặc biệt nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm quá lớn, cơ thể trẻ khó thích nghi với sự thay đổi đột ngột này nên vào buổi sáng sớm trẻ thường bị ho kéo dài, ngạt mũi nặng hơn.
Trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính: Không nên kìm hãm ho
Trong thời điểm này, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em (nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi). Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, ước tính mỗi năm một trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc phải từ 3 - 8 lần bệnh này.
Trong nhiều trường hợp, trẻ có thể tự khỏi trong vòng 5 - 7 ngày nếu được chăm sóc đúng cách.
Tuy nhiên, khoảng 1/3 các trường hợp, bệnh sẽ diễn tiến thành viêm phổi và cần phải được điều trị cẩn thận bằng cách cho trẻ uống thuốc kháng sinh thích hợp để tránh những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân viêm phổi thường được dùng kháng sinh 5 - 7 ngày, khám lại 2 ngày/lần và ăn uống đầy đủ như bình thường.
Khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, ho chính là phản xạ có lợi để tống đờm dãi ra ngoài, giúp đường thở được thông thoáng cho trẻ có thể hít thở dễ dàng. Do đó, không nên lạm dụng các loại thuốc ho để kìm hãm phản xạ có lợi này của trẻ nhất là khi hiện nay có nhiều loại thuốc ho có thể gây ngộ độc, tác dụng phụ quan trọng ở trẻ em nếu dùng không đúng cách.
Bác sĩ Lộc khuyến cáo, chỉ khi nào trẻ ho nhiều có thể dẫn đến những hậu quả xấu như nôn ói, mất ngủ, đau tức ngực, đau rát họng... mới cho trẻ dùng các thuốc ho an toàn.
Bác sĩ Minh Thu – Trưởng khoa Nhi (BV Saint Paul Hà Nội) - cho biết: Nếu trẻ đang chơi đùa vui vẻ đột nhiên mệt mỏi, uể oải, chán ăn rồi sốt đột ngột, sốt cao nhanh, co giật có thể do nhiễm siêu vi trùng.
Ngoài ra, thời điểm giao mùa, trẻ dễ bị sốt phát ban. Biểu hiện của sốt phát ban là ban đỏ xuất hiện ở mặt rồi lan dần dưới bụng, tay, chân. Đi kèm với nổi ban đỏ, trẻ có thể bị ho, sổ mũi.
Người lớn cần nhận biết sốt phát ban với các bệnh phát ban do nguyên nhân khác. Theo đó, khi trẻ sốt phát ban, các nốt ban mịn màu đỏ và thường lặn sau 3 ngày.
Cách xử lý trẻ bị sốt cao co giật trước khi đưa trẻ đến bệnh viện
Phụ huynh cần lau mát cơ thể trẻ bằng khăn nhúng nước ấm có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của cơ thể trẻ lúc này ít nhất là 2 độ. Tiếp tục dùng viên hạ sốt Paracetamol (loại nhét hậu môn) với liều dùng: 10-20 mg/kg.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ vị viêm phổi, sớm hơn cả các dấu hiệu có được khi nghe phổi bằng ống nghe và cũng là triệu chứng rất dễ phát hiện ở mọi lúc, mọi nơi chỉ bằng một phương tiện rất dễ tìm: đồng hồ có kim giây.
Theo đó, người lớn có thể đếm được nhịp thở của trẻ trong trọn một phút để xem trẻ có thở nhanh hay không. Thở nhanh khi: Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng; từ 50 lần/phút trở lên đối với trẻ từ 2 - 11 tháng; từ 40 lần/phút trở lên đối với trẻ từ 12 tháng - 5 tuổi. Vì nhịp thở có thể tăng khi trẻ gắng sức (bú, quấy khóc...) nên cần phải đếm nhịp thở khi trẻ nằm im, tốt nhất khi ngủ. |
Theo Thái Hà
Tiền phong