Miền Bắc: Tăng mạnh dịch sốt vi rút

(Dân trí) - Hai tuần trở lại đây, thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thay đổi, sáng tối lạnh, ban ngày thì nóng bức là điều kiện lý tưởng cho vi rút phát triển khiến rất nhiều người bị các bệnh đường hô hấp, sốt vi rút, đặc biệt là ở trẻ em.

Miền Bắc: Tăng mạnh dịch sốt vi rút  - 1
Đa số các ca đến viện khám đều liên quan đến sốt vi rút, viêm đường hô hấp. Ảnh: H.Hải

Tại bệnh viện Nhi TƯ, khoa Nhi Bạch Mai, khoa Nhi bệnh viện quân y 103, rất đông bệnh nhi đến khám trong tình trạng sốt cao đùng đùng 39-40 độ C. Tại khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, số trẻ đến khám tăng gấp rưỡi còn bệnh viện Nhi TƯ tiếp nhận trên 1.500 bệnh nhân tới khám mỗi ngày.

Sốt liên tục 4 - 5 ngày
 
Có mặt tại khoa Nhi BV quân y 103, chúng tôi chứng kiến nhiều em bé sốt cao đùng đùng được bố mẹ đưa vội tới viện khám. Em P.T.H (11 tuổi ở Mỗ Lao) sốt cao tới 40 độ C, cứ uống thuốc hạ sốt được 3 - 4 tiếng là lại sốt trở lại. Vào viện khám, theo dõi tại viện một ngày, em được cho về nhà với lời dặn: quan trọng nhất là theo dõi nhiệt độ, kiểm soát nhiệt độ kịp thời vì bé bị sốt vi rút. Trải qua 4 ngày sốt liên tục phải uống thuốc hạ sốt, oresol, đến ngày thứ 5, em mới đỡ hơn.
 
Em nhỏ T.A (9 tháng tuổi, Hà Đông) cũng nhập viện 103 sau cơn co giật vì sốt cao. Mẹ bé ôm con vào viện khóc nức nở, vì trưa hôm đó, thấy bé có biểu hiện bứt dứt, khó chịu đã định đưa con vào viện, đo nhiệt độ cho con mấy lần đều chỉ dừng lại ở 37,8 độ C. Chưa kịp đi viện, đang cho con bú thì bé lên cơn co giật. Vào viện, nhiệt độ thực của bé là 39,3 độ. Trải qua 2 ngày sốt cao liên tục, cứ 4 tiếng lại phải uống hạ sốt một lần, giờ tình trạng của bé mới đỡ hơn nhưng lại phát ban toàn thân và còn hâm hấp sốt.
 
“Không bao giờ nghĩ con mình lại rơi vào tình cảnh bị sốt cao co giật vì mình luôn rất chú ý đo nhiệt độ cho con. Không ngờ, khi vào viện, y tá xem kỹ thì kẹp nhiệt kế thủy ngân nhà mình bị hỏng, do đứt đoạn thủy ngân trên nhiệt kế, luôn dừng lại ở đúng nhiệt độ đó. Mình ân hận lắm, làm con phải khổ, vì nghe nói, trẻ đã bị sốt cao co giật một lần rồi sẽ rất hay tái lại. Chỉ tại mình, cứ nghĩ con sốt mọc răng thông thường vì bé chỉ sốt, không hề ho hắng, sổ mũi”, mẹ bé T.A nói.
 
Tại khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, số trẻ đến khám cao gấp rưỡi ngày thường. Do mấy ngày gần đây, biên độ nhiệt trong ngày thay đổi cao, trẻ chưa thích ứng kịp. Trẻ nhập viện trong thời gian này chủ yếu mắc các bệnh đường hô hấp, sốt vi-rút, đa phần nhẹ, chỉ có một số ít trẻ nặng hơn, bị biến chứng viêm phổi.
 
Kiểm soát tốt nhiệt độ của trẻ

TS Dũng khẳng định, khi trẻ bị sốt vi rút, việc quan trọng nhất là kiểm soát tốt nhiệt độ của trẻ bằng thuốc hạ sốt. Có nhiều trường hợp, vì không kiểm soát tốt nhiệt độ sốt nên trẻ bị sốt cao co giật.

Khi bị sốt vi rút trẻ thường bị sốt rất cao 39 - 40 độ C, dù uống thuốc hạ sốt thì cơn sốt cũng tái diễn nhanh chóng. Có những trẻ sau 2 - 3 tiếng uống thuốc hạ sốt đã bị sốt lại. Lúc này, cần cho trẻ tắm nước ấm (36 - 37 độ C), cho toàn thân trẻ ngập trong chậu nước ấm để giúp các lỗ chân lông mở ra, nhiệt độ thoát nhanh chóng ra ngoài. Hoặc có thể chườm ấm bằng khăn nhúng nước ấm đắp vào hai nách, cổ, bẹn của trẻ giúp hạ sốt nhanh. Sau tắm nước ấm thì lau khô người trẻ, mặc quần áo thoáng mát và phải tiếp tục chườm ấm cho bé để có thể duy trì nhiệt độ không sốt cao tới 4 tiếng mới tiếp tục được dùng thuốc.

Trẻ sốt vi-rút thường khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Đáng lưu ý là triệu chứng ban đầu của sốt vi-rút cũng khá giống với sốt xuất huyết, viêm não, viêm não Nhật Bản… Do vậy, thấy trẻ sốt cao đột ngột và kéo dài phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Nói về nhiệt kế đo cho trẻ, nhiệt kế bị hỏng không phản ánh đúng thân nhiệt như trường hợp bé T.A trên không phải là hiếm. Khá nhiều trường hợp em bé sốt cao hầm hập được bố mẹ đưa vội vào viện đã lên cơn co giật.

Vì thế, nhiệt kế khi đo cho con xong luôn phải để trong hộp, để lên cao để tránh rung đập có thể làm hỏng nhiệt kế. Ngoài ra, cha mẹ nên sử nhiệt kế thủy ngân truyền thống dùng đo ở nách vẫn phản ánh chính xác nhất thân nhiệt của bé. Các loại nhiệt kế hiện đại cũng phản ánh chính xác thân nhiệt người đo nhưng phải biết cách đo, nếu không sai số về nhiệt độ sẽ rất lớn.
 
TS Dũng khuyên các bà mẹ nên dùng nhiệt kế thủy ngân, kẹp nách đủ 3 phút rồi mới đọc nhiệt độ. Nếu bé không chịu cho kẹp lâu, có thể sử dụng nhiệt kế điện tử dùng kẹp nách (không nên đo ở miệng hay hậu môn), chỉ sau khoảng hơn 30 giây là đã đo xong, mà vẫn phản ánh đúng thân nhiệt. Nếu xác định chính xác bé sốt trên 38,5 độ C thì mới nên dùng thuốc hạ sốt theo đúng cân nặng.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cha mẹ không cần quá lo lắng khi con mắc bệnh. Nếu thấy trẻ hắt hơi, sổ mũi nhiều thì cần chú ý làm sạch đường thở. Không nên lạm dụng các dụng cụ hút mũi, xông họng, đặc biệt không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh. Khi trẻ sốt vi-rút, không tự ý truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ.

Hồng Hải