Mì ăn liền có phải chỉ là món ăn khi lỡ bữa?

(Dân trí) - Với nhiều người, mì ăn liền vốn mang “tiếng oan” là món ăn không có dưỡng chất, không tốt cho sức khỏe, chỉ dùng tạm khi lỡ bữa hay chỉ là món ăn vặt lúc đói lòng… Thế nhưng, qua trao đổi cùng PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia mới thấy được, thực phẩm này vẫn còn những “bí mật” thú vị cho bữa ăn dinh dưỡng không phải ai cũng biết.

Mì ăn liền cũng là thực phẩm cơ bản như cơm, bún và phở

PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết, theo phân nhóm thực phẩm, mì ăn liền cũng thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng nhóm với gạo/cơm, cháo, bún, phở, bánh mì… được coi là thực phẩm cơ bản trong bữa ăn. Trung bình, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa 40g-50g chất bột đường, 13g-17g chất béo và thường không ít hơn 6,8g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300-350Kcal (tương đương 15%-17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành). Vì nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người là khác nhau và tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, công việc và tình trạng sinh lí nên cần kết hợp nhiều nhóm và nhiều loại thực phẩm khác nhau để cân bằng dinh dưỡng và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.

Tên thực phẩm

Mì ăn liền

Gạo tẻ

Bánh mì

Bún

Phở

Trứng gà

Ba rọi

Trọng lượng (g)

75 (gram)

100 g

(1 bát cơm)

100 gram

100 gram

100 gram

100 gram

100 gram

Đạm (g)

6,9

8

7,9

1,7

3,2

12,96

16,5

Bột đường (g)

51,4

76

52,8

26,2

32,1

1,25

0

Béo (g)

13

1

0,8

-

-

10,33

21,5

Năng lượng (Kcal)

350

346

250

112

141

150

260

Hàm lượng dinh dưỡng của mì ăn liền và một số thực phẩm thông dụng khác (Nguồn: Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, xuất bản năm 2017)

PGS.TS Lê Bạch Mai cũng cho biết thêm, về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm thì không có một loại thực phẩm nào là tốt nhất và càng không thể là duy nhất để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể; nghĩa là chỉ cần ăn 1 loại thực phẩm đó, cơ thể chúng ta sẽ được cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng. Vì thế, chúng ta cũng nên ăn mì ăn liền phối hợp với các thực phẩm khác để tạo nên bữa ăn cung cấp đủ cả về số lượng lẫn cân đối các chất dinh dưỡng.

Mì ăn liền có thể được sử dụng như bữa ăn hoàn chỉnh

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, bản thân mì ăn liền cũng là thực phẩm cơ bản như cơm, bún, phở… nên hoàn toàn có thể kết hợp cùng các loại thực phẩm khác (thịt, trứng, hải sản, rau xanh…) nhằm tạo nên bữa ăn hoàn chỉnh có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Ngoài ra, một tô mì chế nước sôi vẫn có thể thay thế một bữa ăn nếu không có thời gian, và những bữa khác trong ngày cần cân đối lại bằng cách ăn uống đa dạng.

Người tiêu dùng ngày nay cũng có nhiều lựa chọn hơn khi một số sản phẩm mì ăn liền đã được nhà sản xuất thêm nguyên liệu phong phú như trứng, tôm, thịt gà, rong biển, bắp, giá, cà rốt… để gia tăng dưỡng chất, thay đổi về khẩu vị. Đồng thời, hàm lượng dinh dưỡng đều thể hiện rõ trên bao bì, rất thuận lợi cho người dùng khi bổ sung thực phẩm ăn kèm.

Mì ăn liền có thể kết hợp với các thực phẩm khác để tạo thành bữa ăn hoàn chỉnh, giàu dinh dưỡng
Mì ăn liền có thể kết hợp với các thực phẩm khác để tạo thành bữa ăn hoàn chỉnh, giàu dinh dưỡng

Bản thân mì ăn liền không xấu, quan trọng là sử dụng thế nào cho phù hợp

PGS.TS Lê Bạch Mai cũng cho biết, rất nhiều chị em nội trợ đã hỏi bà trong các buổi hội thảo rằng mì ăn liền có tốt không? Thực tế không có thực phẩm xấu mà chỉ có bữa ăn xấu, ăn sai cách thì sẽ trở thành không tốt. Ngay cả một thực phẩm dù rất giàu dinh dưỡng mà sử dụng quá mức hoặc không phối hợp với các thực phẩm khác cũng gây những ảnh hưởng bất lợi cho cơ thể. Vì vậy, mì ăn liền không phải là thực phẩm gây hại cho sức khoẻ mà quan trọng là chúng ta sử dụng nó như thế nào.

Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Bạch Mai đưa ra một số lưu ý sau để có bữa ăn ngon, đủ chất với mì ăn liền.

Thứ nhất: Thưởng thức mì gói kèm với các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cải cúc, rau má, rau muống, cà rốt, cà chua… Ngoài các vitamin và khoáng chất thì sự hiện diện của chất xơ trong rau củ làm tinh bột được hấp thu chậm hơn, tăng lượng phân đào thải giúp tránh táo bón, không gây nóng trong người, giảm nguy cơ bị bệnh trĩ, ngăn ngừa cholesterol máu cao, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường tuýp 2. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt nam (Bộ Y tế phê duyệt năm 2016) thì mỗi 1.000 Kcal ăn vào cần 14g chất xơ.

Thứ hai: Thưởng thức mì gói kèm thực phẩm giàu đạm: Nên bổ sung thêm vào mỗi bát mì khoảng 3-4 lát thịt bò, thịt lợn hoặc 2-3 con tôm hoặc quả trứng để bữa ăn từ mì gói được cân đối hơn về năng lượng đến từ chất đạm, đặc biệt là cân đối giữa đạm động vật và thực vật.

Thứ ba: Kiểm tra chất lượng gói mì trước khi lựa chọn như xem hạn sử dụng, an toàn đóng gói và đặc biệt là cần được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền. Ngay cả các loại mì chiên nếu được sản xuất theo quy trình hiện đại, kiểm soát tốt chất lượng dầu chiên, hạn chế transfat, các nguyên vật liệu được kiểm tra chất lượng và được cấp phép của cơ quan quản lý‎ có thẩm quyền thì hoàn toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhóm Phóng viên

Tổng hợp và ghi nhận