Mẹ viêm gan B có nên cho con bú?

Tôi vừa đọc báo thấy có trường hợp cháu bú dì mà bị lây nhiễm HIV nên rất lo lắng, bởi chị dâu tôi bị viêm gan B và đang mang thai 5 tháng. Vậy em bé có bị nhiễm viêm gan B không? Khi sinh em bé, có nên cho em bé bú sữa mẹ không? Bé bú sữa mẹ có bị lây viêm gan B không?Lan Anh,Thái Bình)

 

Mẹ viêm gan B có nên cho con bú? - 1

Viêm gan siêu vi B là một bệnh nguy hiểm do tính chất diễn biến thầm lặng (80% người bị nhiễm siêu vi không bộc lộ triệu chứng), khả năng lây mạnh (tỷ lệ nhiễm siêu vi B gấp 100 lần siêu vi gây bệnh AIDS). Có thể đột biến gây viêm gan tối cấp dẫn đến tử vong, hậu quả lâu dài và nặng nề (biến chứng xơ gan và ung thư gan). Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm siêu vi B cũng cao tới 10-13%, lây từ mẹ sang con là 44,7%. Đường lây chủ yếu là khi thai nhi đi qua âm đạo, sau khi sinh cho trẻ bú sữa mẹ chỉ có 3-10% lây qua rau thai.

Mặc dù vậy, bạn cũng không nên quá lo lắng vì người mẹ có thể nhiễm siêu vi B không gây ảnh hưởng xấu cho tiến trình mang thai cũng như bào thai, thai nhi vẫn phát triển tốt và không có nguy cơ dị dạng. Quan trọng là nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi, nếu trẻ không được bảo vệ ngay sau khi sinh thì 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành. Tỷ lệ bị viêm gan cấp ngay sau sinh là 5-7% mà không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng.

Khả năng truyền bệnh viêm gan siêu vi B theo đường mẹ - con trong thời kỳ mang thai như sau:

Nếu 3 tháng đầu mẹ mắc viêm gan B thì tỷ lệ truyền sang con là 1%. Nếu 3 tháng giữa thai kỳ thì tỷ lệ này là 10% và 3 tháng cuối thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 67%.

Hơn 95% trẻ sơ sinh bị nhiễm siêu vi B ở giai đoạn chu sinh sẽ tiến triển sang mạn tính do có liên quan đến tình trạng chưa trưởng thành ở hệ thống miễn dịch của trẻ, ngược lại ở tuổi trưởng thành chỉ có 5-7% chuyển sang mạn tính.

Về câu hỏi có nên cho em bé bú mẹ hay không? Câu trả lời là vẫn có thể cho con bú mẹ được nếu trẻ được bảo vệ bằng cách tiêm cho trẻ huyết thanh đặc hiệu chống siêu vi B (Ig- AntiB) 100 đơn vị ngay trong phòng đẻ, sau đó tiêm vaccin chống viêm gan siêu vi B ở những vị trí khác trên cơ thể trẻ sơ sinh theo công thức 3 mũi (ngay sau đẻ, tháng thứ 2 và tháng thứ 3).

HBsAg có trong sữa mẹ nhưng lây truyền chủ yếu là khi trẻ bú thường cắn đầu vú mẹ và làm trầy xước da nên phải điều trị ngay những chỗ trầy xước. Ngoài ra còn điều trị sớm tưa miệng và các chứng đau miệng của trẻ.

Một lưu ý nữa, gia đình bạn nên làm một xét nghiệm viêm gan B (HbsAg) trong huyết thanh thai phụ vào tháng thứ 6 của thai kỳ, nếu dương tính (+), đánh giá mức độ truyền bệnh, làm xét nghiệm bổ sung HBeAg hoặc ADN và anti HBe.

Theo Chuyên gia tư vấn Kim Mai

Báo Gia đình & Xã hội