Mẹ mắc ung thư cổ tử cung có di truyền sang con?

Minh Nhật

(Dân trí) - Hầu như tất cả các trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung đều bắt đầu từ chứng nhiễm một loại virus tên là human papillomavirus - gọi tắt là HPV.

Theo Bệnh viện K, ung thư cổ tử cung xuất phát từ trong các tế bào của cổ tử cung. Thường thì các tế bào tăng trưởng và phân chia để tạo thành những tế bào mới theo nhu cầu của cơ thể. Khi các tế bào già đi thì sẽ dần được thay thế bằng các tế bào mới mà đôi khi cơ thể không cần. 

Ung thư cổ tử cung thường tiến triển chậm trong thời gian dài. Trước khi ung thư xảy đến, cổ tử cung có một ít thay đổi, qua đó các tế bào bất bình thường bắt đầu xuất hiện. Sau lúc ấy, các tế bào bất bình thường có thể trở thành tế bào ung thư và lan rộng. Ung thư cổ tử cung là loại ung thư có thể phát hiện ở giai đoạn sớm, khi đó điều trị đem lại tỷ lệ khỏi bệnh cao nhất.

Mẹ mắc ung thư cổ tử cung có di truyền sang con? - 1

Ung thư cổ tử cung thường tiến triển chậm trong thời gian dài.

Hầu như tất cả các trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung đều bắt đầu từ chứng nhiễm một loại virus tên là human papillomavirus -  gọi tắt là HPV. Virus HPV được lây truyền qua đường sinh dục, phụ nữ và nam giới đều có thể bị lây.

Ung thư cổ tử cung không phải là bệnh di truyền. Tuy nhiên, virus HPV được xác định có thế lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình thai kỳ. Một số chuyên gia cũng cho rằng, mẹ mắc ung thư cổ tử cung thì con có khả năng mắc bệnh này cao hơn bình thường.

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Dưới đây là những biện pháp để dự phòng ung thư cổ tử cung, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng:

- Dự phòng cấp một: Dự phòng nhiễm virus HPV (thủ phạm gây ra > 90% ung thư cổ tử cung). Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Dự phòng chủ động bằng cách tiêm vaccine phòng HPV cho thiếu niên và thanh niên trong độ tuổi được khuyến cáo, càng sớm càng tốt, tốt nhất trước khi có lần quan hệ đầu tiên.

Việc tiêm phòng HPV ở người càng trẻ, chưa có quan hệ tình dục thì đáp ứng miễn dịch càng cao.

- Dự phòng cấp 2: Khám sàng lọc để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (thường gọi là loạn sản cổ tử cung).

Có nhiều phương pháp sàng lọc đã được Bộ Y tế hướng dẫn: nghiệm pháp V.I.A/V.I.L.I; xét nghiệm tế bào âm đạo - cổ tử cung (Pap smear, Thinprep…); xét nghiệm định tính/định type virus HPV.

Có thể thực hiện một trong các phương pháp sàng lọc này hoặc phối hợp nhiều phương pháp tùy từng trường hợp. Điều đáng nói là các phương pháp sàng lọc này khá đơn giản, chi phí không quá cao, thực hiện lấy mẫu đồng thời với quá trình khám phụ khoa thông thường.