1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mẹ mắc thủy đậu có được cho con bú?

Mặc dù mới vào mùa nhưng số lượng trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh nhập viện do thủy đậu đã tăng cao. Nhiều người cho rằng trẻ sơ sinh mắc thủy đậu là do bú mẹ đang bệnh.

Ghi nhận tại bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) ngày 6-3, hiện có bảy trẻ dưới ba tuổi, thậm chí có trẻ mới một tháng tuổi đang điều trị bệnh thủy đậu .

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận 43 ca trẻ em mắc bệnh thủy đậu . Nhiều trẻ bị lây bệnh từ người lớn, đặc biệt là trẻ sơ sinh .

Trong đó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là bé PNM (16 ngày tuổi). Bà ngoại đang chăm sóc bé M. tại bệnh viện cho biết bé nhập viện khi chỉ mới 12 ngày tuổi. Trước đó, mẹ bé M. phát bệnh khi chỉ còn bốn ngày nữa là hạ sinh bé.

Nhỉnh hơn bé M. vài ngày tuổi, bé NTY cũng nhập viện khi mới 21 ngày tuổi. Chị D. (26 tuổi), mẹ bé Y, quê Cà Mau, cho biết khi sinh bé Y. được 10 ngày thì chị bị thủy đậu. Khi chị vừa hết bệnh thì bé Y. có biểu hiện mụn nổi đỏ trên da, sốt.

Bé M. (16 ngày tuổi) đang điều trị bệnh thủy đậu. Ảnh: HL
Bé M. (16 ngày tuổi) đang điều trị bệnh thủy đậu. Ảnh: HL

Vừa dỗ dành bé Q. (33 ngày tuổi) đang quấy khóc, chị L. (24 tuổi) cho biết bé Q. nhập viện được bốn ngày. Chị L. cho hay trước khi sinh chị không chích ngừa và từng nghe đến bệnh thủy đậu nhưng không nghĩ mình sẽ mắc.

Chị L. kể chồng làm công nhân ở KCN Củ Chi (TP.HCM), lây bệnh thủy đậu khi tiếp xúc với hai công nhân ở chỗ làm. Biết được đây là bệnh dễ lây nên chồng chị đã cẩn thận cách ly hai mẹ con khi chị Q. sinh.

“Chỉ đến khi nốt mụn trên người bong ra anh mới lại gần vợ con. Không ngờ cẩn thận vậy mà tôi vẫn bị lây bệnh. Khi bắt đầu nổi mụn nước, tôi đã cách ly và không cho con bú 10 ngày. Khi nốt mụn nước khô, đóng vảy tôi mới dám ôm và cho con bú, vậy mà bé cũng bị”, chị L. chia sẻ.

Bé Y. bệnh khi 21 ngày tuổi. Ảnh: HL
Bé Y. bệnh khi 21 ngày tuổi. Ảnh: HL

Vừa bôi thuốc vào các nốt thủy đậu đang lan khắp cơ thể con là bé NTXT (5 tháng tuổi), chị Th., sống ở Đắk Lắk kể cách đây 10 ngày, bé T. bị nổi vài nốt mụn trên cơ thể nhưng chị chỉ nghĩ do bé nóng quá và đưa bé đến bệnh viện địa phương khám và được cho thuốc viêm phổi uống. Tuy nhiên, bốn ngày sau tình trạng bé vẫn không đỡ nên chị tất tả đưa bé xuống BV Nhi đồng 1 và được báo bé mắc thủy đậu.

“Cách đây một tháng, tôi lây thủy đậu từ chị gái, nhưng do bé vẫn bú sữa mẹ nên tôi không cách ly được. Lúc đó bé cũng nổi vài mụn nước, nhưng sau khi cho uống thuốc, các nốt lặn xuống nên tôi nghĩ bé không bị lây bệnh", chị T. nói.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết đợt dịch thủy đậu thông thường kéo dài từ đầu năm đến tháng 5, tháng 6 hàng năm.

Thông thường, thời gian bệnh kéo dài đến 21 ngày mới hết lây. Do vậy, khi chưa có biểu hiện mụn nước, cơ thể đã ủ bệnh và lây cho người khác. BS Khanh dự báo năm 2018, khả năng phát triển bệnh có thể nhiều hơn.

Các trẻ nhỏ lây bệnh từ người lớn gia tăng. Ảnh: HL
Các trẻ nhỏ lây bệnh từ người lớn gia tăng. Ảnh: HL

Theo BS Khanh, trẻ dưới ba tháng tuổi hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như trị bệnh ung thư, khi mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm, khả năng tử vong cao và điều trị tốn kém.

Với trẻ chưa đầy tháng tuổi, người mẹ nếu bị thủy đậu trước sinh bốn ngày và sau sinh hai ngày trở đi thì trẻ mắc bệnh sẽ rất nặng. “Lúc đó, miễn dịch trong mẹ chưa truyền cho con được, con hoàn toàn chưa có miễn dịch mà tiếp xúc ngay với vi rút thủy đậu sẽ bị tấn công rất nặng. Còn phụ nữ mang thai, ba tháng đầu mà mắc thuỷ đậu rất dễ xảy thai, thai dị dạng, cần chú ý phòng ngừa. Vì thế phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mà chưa chích ngừa hoặc chưa từng mắc bệnh nên đi tiêm ngừa”, BS Khanh lưu ý.

“Virus thủy đậu không chờ khi mụn nước vỡ ra mới phát bệnh mà đã ủ trong cơ thể của người bệnh và đã có khả năng lây từ trước đó, em bé sẽ không tránh khỏi bị lây bệnh từ mẹ. Cho nên đối với bà mẹ không may cho con bú bị thủy đậu thì nên cho bé bú tiếp tục và trong quá trình cho bú phải rửa tay, đeo khẩu trang. Sữa có kháng thể cung cấp cho bé sẽ giúp bé chống lại được phần nào căn bệnh nếu đã mắc”, BS Khanh lý giải.

Bệnh thủy đậu (trái rạ) là bệnh gần như “đến hẹn lại lên" kéo dài từ tháng 11, 12 năm trước đến tháng 4, 5, 6 năm sau. Bệnh lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi phát tán virus qua đường không khí. Virus còn bám vào tay chân, các vật dụng trong nhà rồi lây cho người khác.

Khi người chưa nổi mụn nước, mụn đã phát tán virus ra môi trường mà người xung quanh không biết. Người lớn bị thủy đậu có biểu hiện đau nhức mình mẩy, có khi sốt cao, nổi mụn nước nhiều, trong khi trẻ nhỏ thì mụn nổi nhanh và có thể kèm sốt hoặc không. Nốt thủy đậu sẽ tự nhiên lành không để lại sẹo, không cần kiêng tắm và không được gãi, chà xát khiến nhiễm trùng da để lại sẹo rỗ.

BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1

Theo Hoàng Lan

Pháp luật TPHCM