Mẹ không chích ngừa, con vừa chào đời nguy kịch vì uốn ván
(Dân trí) - Vừa chào đời được 5 ngày, bé trai bỏ bú, lên cơn co gồng, cháu được bác sĩ xác định mắc uốn ván sơ sinh. Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước khi mang thai người mẹ chưa chích ngừa uốn ván là nguyên nhân khiến trẻ nhiễm bệnh khi cắt rốn bằng dụng cụ không được vô trùng.
Đó là trường hợp của bé trai Điểu Bình A. (15 ngày tuổi, người đồng bào Stiêng, ngụ tại Lộc Ninh, Bình Phước). Cháu được bệnh viện địa phương chuyển lên TPHCM ở ngày thứ 5 sau khi chào đời vì bị co gồng toàn thân.
Sau khi tiếp nhận trường hợp trên, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và chuyển tới khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực và Chống độc Trẻ em của Nhiệt Đới. Qua thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm uốn ván sơ sinh ở giai đoạn toàn phát (ủ bệnh, khởi bệnh, toàn phát), theo dõi nhiễm trùng huyết.
Điều tra bệnh sử của bác sĩ từ phía người nhà ghi nhận, mẹ của bệnh nhi sống ở khu vực vùng sâu của tỉnh Bình Phước. Trước và trong quá trình mang thai, chị không đến cơ sở y tế để thăm khám. Đến ngày vượt cạn, gia đình cũng để sản phụ sinh ở nhà. Sau khi bé trai chào đời, người thân đã dùng dao lam để cắt rốn.
Ngày thứ 5 sau khi lọt lòng mẹ, bé bỏ bú co gồng toàn thân, tình trạng ngày càng nghiêm trọng nên gia đình vội chuyển đến bệnh viện. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bệnh nhi được đặt ống nội khí quản hỗ trợ thở máy, cho dùng thuốc chống co giật. Ngày 21/3 (sau 8 ngày điều trị) tình trạng co gồng của bệnh nhi đã được kiểm soát, bác sĩ đang tiến hành điều trị tích cực.
Điều trị uốn ván sơ sinh cho trẻ rất tốn kém, chỉ cần chích ngừa sẽ tránh được bệnh
Phân tích chuyên môn của BS Trần Kim Hùng chỉ ra: Từ trong thai kỳ, bản thân bệnh nhi không có kháng thể bảo vệ do mẹ chưa được chích ngừa uốn ván. Hành động dùng dao lam (không đảm bảo vô trùng) để cắt rốn cho cháu bé khiến vi trùng uốn ván xâm nhập vào cơ thể gây bệnh”.
Điều trị uốn ván sơ sinh khá khó khăn, nguy cơ tử vong cao gấp 10 lần bệnh ở người lớn. Khi cơ thể của trẻ còn non yếu lại không được bú mẹ mà phải dùng dinh dưỡng khác thay thế trẻ mất đi những kháng thể có trong sữa mẹ, nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện luôn ở mức cao. Hiện nay, những tiến bộ trong điều trị đã giảm thiểu được tỷ lệ tử vong song bác sĩ phải mất trung bình khoảng 1 tháng để đưa bệnh nhi từ “cõi chết trở về”.
Nếu trẻ may mắn qua được cơn nguy kịch cũng có thể gặp phải các di chứng như: ngưng tim, ngưng thở đột ngột, tăng huyết áp, trụy tim mạch, suy hô hấp, xẹp phổi do tắc phế quản, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng da, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trong các cơ do co giật mạnh, điếc sau điều trị.
Chích ngừa là giải pháp hiệu quả để tránh nguy cơ mắc uốn ván
Từ đầu năm đến nay, khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực và Chống độc Trẻ em của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã tiếp nhận 4 trường hợp bị uốn ván sơ sinh. Qua ghi nhận của bác sĩ, tất cả bệnh nhi nhiễm uốn ván đang sinh sống tại khu vực vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, dân trí hạn chế và không có nhiều cơ hội tiếp cận với các kiến thức y tế nên không biết cách hoặc không quan tâm đến việc phải chủ động phòng bệnh.
Người mẹ không chích ngừa trước và trong quá trình mang thai, khi trẻ chào đời lại bị cắt rốn bằng các dụng cụ không hợp vệ sinh y tế như kéo sắt, dao lam, lách nứa khiến vi trùng uốn ván tiết độc tố gây bệnh cho cơ thể. Việc điều trị cho 1 ca uốn ván sơ sinh trung bình tốn khoảng 100 triệu đồng, đây sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Để hạn chế số ca uốn ván trong cộng đồng, bác sĩ khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hoặc có dự định mang thai cần đi chích ngừa uốn ván. Nếu đã mang thai nhưng chưa chích ngừa cần gặp bác sĩ để được tư vấn. Lựa chọn những cơ sở y tế đủ các điều kiện cần thiết khi vượt cạn là giải pháp đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, đồng thời hạn chế nguy cơ nhiếm uốn ván và các bệnh khác. Trẻ sau khi chào đời phải được chích ngừa uốn ván và các loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng và chích nhắc mỗi 5 năm 1 lần.
Vân Sơn