Màu sắc nước tiểu và bệnh tật
Màu sắc, độ trong của nước tiểu do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Nếu thận khỏe mạnh, thì các chất cần cho cơ thể đều được giữ lại còn nếu không, hẳn sức khỏe của bạn đang có vấn đề.
Nếu uống ít nước thì nước tiểu có màu vàng (do bị cô đặc lại). Càng uống nhiều nước màu nước tiểu càng nhạt. Nếu thấy nước tiểu đỏ như màu nước trà, thường là do có lẫn mật.
Lấy nước tiểu ra cho vào một cái lọ, đậy nút rối lắc mạnh. Nếu thấy có nhiều bọt là chắc chắn có mật. Soi gương thấy da chuyển sang màu vàng thì cần đến bác sĩ để kiểm tra và xin chỉ định của bác sĩ để điều trị nếu thấy cần thiết.
Nếu thấy có lẫn máu trong nước tiểu (màu đỏ máu) thì nhất thiết phải đến bệnh viện để kiểm tra xem do sỏi thận, do nhiễm khuẩn hay đôi khi có thể do ung thư.
Mỗi người có hai quả thận nằm hai bên xoang bụng. Mỗi phút có khoảng 130ml máu đi qua thận. Thận làm nhiệm vụ lọc máu. Đa số nước, muối, các chất dinh dưỡng được hấp thu lại vào máu. Một số nước, Urê và các chất thải khác chuyển thành nước tiểu theo 2 ống gọi là niệu quản đưa xuống bàng quang.
Mỗi ngày có khoảng 1,5 - 2 lít nước tiểu được sinh ra. Nếu cơ thể thiếu nước thì kích tố ADH (antidiuretic Hormone) sinh ra từ tuyến yên sẽ điều chỉnh để có cảm giác khát và tìm nước uống. |
Mùi của nước tiểu cũng chịu ảnh hưởng rất lớn mùi vị của thuốc men và thức ăn. Uống hay tiêm các loại Penicillin, Ampicillin... thấy mùi rất đặc trưng. Khi ăn măng, nước tiểu có mùi rất nồng.
Nếu nước tiểu đục như kiểu có lẫn lòng trắng trứng thì chứng tỏ Protein đã lọt qua thận, có nghĩa là thận có vấn đề, cần kiểm tra để điều trị.
Theo GS. Nguyễn Lân Dũng
VTV