1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mất đốt sống vì để đau lưng kéo dài

Một bệnh nhân đã mất một đốt sống sau khi để chứng đau lưng kéo dài mà không chữa. Đó là anh Nguyễn Viết Thành, 46 tuổi, ngụ tại Quận 10, TP. HCM. Anh Thành cho biết cách đây hơn 1 năm, anh thường xuyên bị đau lưng và chỉ chữa bằng cách mua thuốc giảm đau và xoa bóp bằng dầu nóng.

Một thời gian, cơn đau hành hạ nhiều hơn khiến anh không ngủ được nên đi khám và phát hiện mình bị loãng xương. Sau đó bác sĩ cho thuốc uống và dặn tái khám. Thế nhưng anh không đi mà chỉ mua thuốc theo toa thuốc cũ để giảm đau.

Do ỷ y rằng chứng loãng xương của mình chỉ ở giai đoạn nhẹ nên anh Thành chỉ mua thuốc theo toa cũ mà bác sĩ cho để vượt qua những cơn đau.

Ngoài ra, do anh có chứng viêm da dị ứng, nên anh cũng thường xuyên dùng thuốc có chứa corticoid để điều trị. Cho đến một ngày, anh ngồi một lúc là thấy lưng đau kinh khủng, các cơn đau nhiều hơn trước khiến anh không thể cúi, nghiêng hay xoay người được, việc đi đứng cực kỳ khó khăn, như ông lão 90 tuổi vì đau.

Chỉ trong chưa đây 1 năm, từ một người đàn ông cao to, anh Thành sụt cân nghiêm trọng, từ hơn 80kg chỉ còn 54kg. Thấy không thể chịu đựng được nữa, anh đến bệnh viện.

Qua kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ cho biết anh bị lao đốt sống nặng. Đồng thời, đau lưng kéo dài là do bệnh lao cột sống, nhưng anh Thành lại để lâu không chữa nên phần đốt sống bị phá hủy hoàn toàn. Để giúp anh đi đứng trở lại như trước, bác sĩ đã phải phẫu thuật lấy phần xương đốt sống đã chết, thay đốt sống nhân tạo, lấy phần xương từ vùng mào chậu để ghép vào và cuối cùng là dùng vít, nẹp để cố định cột sống cho anh.

Gặp Một Thế Giới trong buổi tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật thay đốt sống, anh Thành thở dài: "Do tôi quá ỷ y, chủ quan, nghĩ rằng đau lưng kéo dài chỉ cần giảm đau là được, rồi để lâu khiến chi phí điều trị tốn kém rất nhiều, từ bữa giờ chi phí chạy chữa tốt hơn 400 triệu đồng, đó là chưa tính đến chi phí theo dõi, tái khám thuốc thang sau này nữa".

Trong khi đó, theo bác sĩ Huỳnh Hồng Châu, trưởng khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, chia sẻ: "Với trường hợp của anh, chi phí điều trị sẽ giảm đi rất nhiều nếu như anh không ỷ y và chịu khó theo dõi, điều trị kịp thời từ một năm về trước.

Lúc đó, anh chỉ cần điều trị nội khoa bằng thuốc cho lao cột sống chứ không cần phải phẫu thuật. Chính việc để lâu tình trạng bệnh kết hợp với sử dụng thuốc có chứa corticoid đã đẩy tình trạng lao cột sống diễn tiến nhanh, khiến đốt sống bị phá hủy nhanh và để điều trị thì phải cần phẫu thuật. Lúc này, chi phí đội lên, trở thành gánh nặng cho người bệnh.

Lao cột sống cũng là một bệnh được điều trị trong Chương trình Chống lao quốc gia cho nên khi mắc bệnh lao, người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa lao để điều trị mà không phải mất tiền thuốc.

Nếu phát hiện trong giai đoạn còn sớm, bệnh còn nhẹ, người bệnh chỉ cần nằm nghỉ ngơi, bất động cột sống tại giường mà không cần bó bột cột sống. Nếu bệnh đã vào giai đoạn nặng thì cần phải cố định cột sống bằng các hình thức hỗ trợ như máng bột. Ngoài ra, phải thường xuyên cho người bệnh tập vận động, xoa bóp chân tay để tránh teo cơ, cứng khớp.

Lao xương giai
đoạn đầu có thể điều trị bằng thuốc với chi phí thấp
Lao xương giai đoạn đầu có thể điều trị bằng thuốc với chi phí thấp

Chớ coi thường đau lưng

Để phân biệt lao cột sống với đau lưng thông thường, bạn nên để ý các biểu hiện:

- Do lao cột sống là biểu hiện của nhiễm trùng nên người bệnh hay đau lưng ngày càng nhiều, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút, sốt về chiều.

- Ở giai đoạn sớm, cơn đau chỉ biểu hiện ở đốt sống bị tổn thương nhưng càng ngày sẽ gây đau tăng dần và đau nhiều khi đi lại, đau khi ho, hắt hơi.

- Khi bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân không thể giảm đau với thuốc giảm đau thông thường, đau đớn thường xuyên xảy ra ở đốt sống tổn thương, có thể gây lệch, vẹo cột sống. Nhiều trường hợp đốt sống bị phá hủy sẽ gây liệt hai chi dưới, teo cơ hai chi dưới, mất tự chủ đại tiện và tiểu tiện.

Khi phát hiện mình bị đau lưng, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời. Đồng thời, khi bác sĩ dặn dò tái khám, bạn không nên tự ý bỏ qua hay ỷ y căn cứ theo toa thuốc cũ bác sĩ cho để tự điều trị. Đây là thói quen phổ biến của nhiều người và rất nhiều trường hợp đã phải hối hận khi bệnh tình diễn tiến nặng.

Ngoài ra, khi điều trị các bệnh liên quan đến viêm da, dị ứng, chàm, bạn cũng cẩn thận với thuốc thoa hoặc uống có chứa corticoid. Corticoid nếu được sử dụng đúng sẽ có tác dụng đúng trong điều trị. Tuy nhiên, nếu lạm dụng để điều trị các bệnh thông thường hoặc sử dụng không đúng liều chỉ định sẽ dẫn đến các hậu quả khôn lường và một trong những hậu quả nghiêm trọng là có thể gây loãng xương, xốp xương.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân cần tránh việc tự ý sử dụng, khi có bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín vì chỉ có các bác sĩ này mới có thể đánh giá đúng được bệnh cảnh và kết luận cho bệnh nhân dùng hay không dùng thuốc hoặc dùng với liều lượng bao nhiêu. Đặc biệt, bệnh nhân phải tuân thủ theo phác đồ điều trị, tránh việc sử dụng không đúng liều, bỏ giữa chừng...

Theo Hải Nam

Một thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm