1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mắt đỏ quanh năm vì... nóng vội

(Dân trí) - Hơn 4 năm nay, chị Nguyễn Thị Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn gắn với cặp kính râm, gặp bao tình huống dở khóc, dở cười... cũng chỉ vì lần dùng nhiều loại thuốc trị bệnh viêm kết mạc dị ứng ngày đó.

Mắt đỏ quanh năm vì... nóng vội - 1
Viêm kết mạc dị ứng quanh năm, khiến người bệnh luôn bị đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa ngáy rất khó chịu
Đeo kính râm quanh năm vì mắt đỏ
 
Chuyện là gần đến ngày cưới, bỗng dưng Nhung bị đau mắt. Vội vàng chạy ra hiệu thuốc “tả” bệnh, chị Nhung được bán cho một lọ Namydexa nhỏ mắt trong vòng một tuần. Nhưng dù tích cực nhỏ thuốc, mắt Nhung vẫn đỏ, dử mắt đùn ra hàng cục, lại kèm hiện tượng sưng húp. Chị cấp tốc ra một phòng mạch khám và tiếp tục được kê cho một loại thuốc khác. Đang nhỏ loại thuốc này, Nhung lại được một người bạn mách cho loại thuốc rất hiệu quả với mắt đang viêm nặng. Thế là Nhung dùng kết hợp cả hai. Kết cục, đến sát ngày cưới, mắt Nhung vẫn sưng vù. Lúc này cô mới “chạy” đến bệnh viện Mắt TƯ, nhưng bác sĩ không phải là thánh để biến cặp mắt đang đỏ au, sưng húp của cô trong trẻo trở lại trong ngày một ngày hai. Vậy là cô đành đeo cặp kính râm to xụ khiến khách khứa khá bất ngờ trước một cô dâu “xì-tin”, mê kính thời trang. Đáng nói là đến giờ (sau hơn 4 năm), tình trạng viêm kết mạc dị ứng của Nhung vẫn chưa khỏi. Quanh năm ngày tháng, mắt cô luôn phải  gắn chặt với cặp kính tối màu.

“Những bệnh nhân này đỏ mắt, ngứa mắt thường xuyên, hiếm khi mắt ở tình trạng bình thường, hoặc thời gian khỏi bệnh quá ít, không đáng để bệnh nhân ghi nhớ. Tôi đã từng gặp vài bệnh nhân, một tháng ngứa mắt 10-20 ngày là bình thường. Tình trạng này gây nên cho họ không ít những rắc rối trong công việc”, BS Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Viện Mắt TƯ nói.

Thực tế, rất nhiều người cứ nhìn thấy người khác đỏ mắt là thấy “ghê ghê” vì sợ lây, và chính tâm lý đó càng khiến những người bị viêm kết mạc quanh năm gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống. “Không đeo kính thì ngại tiếp xúc, mà nhiều khi đeo, người đối diện lại cảm thấy mình coi thường người khác, hay đơn giản hơn, bị “chỉ trích” vì sành điệu không đúng chỗ, trong nhà vẫn đeo kính râm”, chị Phương Anh, giao dịch viên của một ngân hàng than vãn. Cũng như chị Nhung, chị Anh bị viêm kết mạc dị ứng quanh năm, đến nay đã là 3 năm điều trị mà chưa khỏi dứt điểm.

Chớ “vái tứ phương”

 

Theo BS Hoàng Cương, những trường hợp bị viêm kết mạc dị ứng quanh năm như bệnh nhân Nhung không phải là hiếm gặp và thường đến viện khi đã ở tình trạng rất nặng.

 

Thường thì bệnh chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu, đau, chảy nước mắt… nhưng do dùng thuốc nhỏ mắt có chất corticoid kéo dài (thuốc tạo cảm giác mắt trong hơn, đỡ ngứa hơn nhưng lâu dần gây phụ thuộc, có thể dẫn tới những tác dụng phụ nguy hiểm như gây ra loét, mù mắt), điều trị “nhảy cóc” hết bác sĩ này đến bác sĩ khác đã khiến tình trạng viêm dị ứng càng nặng nề, biểu hiện quanh năm, thậm chí nhiều trường hợp bệnh nhân trở nên dị ứng với cả loại thuốc chỉ định điều trị căn bệnh này. “Lúc này, bệnh rất khó chữa. Người bệnh có thể phải sống chung với bệnh suốt đời vì những thuốc để chữa bệnh dị ứng dạng này không có nhiều, chỉ khoảng hơn mười loại, nếu điều trị không khéo có thể xảy ra tình trạng “hết thuốc” chữa”, BS Cương nhấn mạnh.

 

Vì thế, khi có biểu hiện viêm kết mạc dị ứng, người bệnh tuyệt đối không tự dùng thuốc mà cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị. Vì cùng một loại thuốc, nhưng “nghệ thuật” sử dụng thuốc lại rất quan trọng. Ở giai đoạn này thì dùng thuốc nào, lúc nào thì dừng, lúc nào tăng liều, giảm liều… đều phải thực hiện theo đúng chỉ định, bài bản mới có có giá trị. Đặc biệt, người bệnh nên tin tưởng theo đuổi một thầy thuốc chuyên khoa. Nếu lựa chọn bác sĩ khác thì cần mang theo đơn thuốc cũ để bác sĩ có thể nắm được tiền sử sử dụng thuốc.

 

Sau giai đoạn điều trị viêm cấp tính, người bệnh phải duy trì loại thuốc chống dị ứng. Tuỳ từng trường hợp mà bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc phù hợp. Khi bị tái phát, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng lại toa thuốc cũ. Ngoài dùng thuốc, người có tiền sử viêm kết mạc dị ứng cũng cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, bụi…
 
Hồng Hải