Bệnh cúm gia cầm ở gia cầm và ở người:
Mất cảnh giác sẽ làm tăng nguy cơ
(Dân trí) - Ngày 4/3/207, một phụ nữ Lào, 42 tuổi đã chết vì bị nghi nhiễm cúm gia cầm. Người phụ nữ này sống tại một ngôi làng xảy ra dịch cúm gia cầm và đã được đưa vào viện cuối tháng 2 vừa qua sau khi có triệu chứng sốt và viêm phổi.
Như vậy tính đến hiện nay, trên thế giới đã có 278 ca nhiễm cúm gia cầm và 168 người trong số đó đã chết.
Tháng trước Việt Nam đã thành công trong việc khống chế và dập các ổ dịch tại đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên những ổ dịch mới xuất hiện tại đồng bằng sông Hồng và những ca nhiễm cúm ở các nước láng giềng đã làm dấy lên nỗi lo ngại về sự bùng phát của đại dịch cúm ở gia cầm và cúm ở người.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng, Bộ Y Tế cho biết trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế đang tổ chức giám sát chặt chẽ tại những ổ dịch cúm gia cầm. Việc giám sát sẽ được thực hiện từ cơ sở. Trạm Y tế xã báo cáo có ca sốt, nghi cúm thì Trung tâm y tế huyện sẽ đến xem xét.
TS Nguyễn Huy Nga nhận định: “Hiện nay ý thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh của người dân đã được nâng cao. Người dân đã biết đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bị bệnh”. Như trường hợp tại huyện Năm Căn, Cà Mau vừa qua. Một phụ nữ và ba con nhỏ đã lần lượt nhập viện sau khi ăn một con gà chết. Mặc dù, đây là vùng sâu, xa và cano là phương tiện di chuyển nhanh nhất mà người dân có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhưng người dân đã kịp thời đến ngay cơ sở y tế khi bị sốt mà trong khu vực gia đình ở có gà chết. Nhờ vậy mà các lực lượng y tế, Viện Pasteur Tp Hồ Chí Minh đã lập tức đến, thực hiện việc giám sát, tiêu độc, khử trùng. Rất may là kết quả xét nghiệm của những người dân trên là âm tính với H5N1.
Người xưa thường nói phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chúng ta không nên sử dụng gia cầm ốm hoặc chết và hạn chế những tiếp xúc không cần thiết với gia cầm, còn hơn là tiêu thụ gia cầm không an toàn để rồi nhiễm bệnh. Để bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh, mỗi người cần nâng cao nhận thức.
Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, ngành Y tế hiện đang giám sát tất cả các ca cúm ở một số địa phương trọng điểm. Trong 4.000 mẫu giám sát cho thấy không phát hiện trường hợp nào mắc cúm A (H5N1). Thực tế triển khai cho thấy việc giám sát, phát hiện sớm ca bệnh là khâu quyết định trong việc phòng chống bệnh. Nhưng điều quan trọng nhất là trước hết người dân phải nhận thức đúng đắn để bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm cúm gia cầm.
Sức khỏe của bạn phải được đặt lên hàng đầu!
Cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy virus H5N1 có khả năng lây truyền dễ dàng từ người sang người để gây ra đại dịch. Tuy nhiên nỗi lo ngại về khả năng virus có thể phát triển khả năng lây truyền này hoặc là nó sẽ kết hợp với những loại virus gây cúm ở người khác để tạo thành một loại virus mới có thể dễ dàng lây nhiễm từ người sang người.
Những người bị nhiễm virus H5N1 dễ bị ốm nặng và có khả năng tử vong. Triệu chứng nhiễm cúm gia cầm cũng giống như các triệu chứng cảm thông thường như sốt cao, ho, đau cơ, đau họng. Người bị nhiễm cúm gia cầm cũng có những biểu hiện lâm sàng như đau mắt, viêm đường hô hấp và viêm phổi.
Nếu sau khi tiếp xúc với gia cầm mà bạn có những triệu chứng này thì bạn phải ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn. Các bác sĩ sẽ biết phải làm gì để giúp bạn điều trị.
Nếu đại dịch cúm gia cầm hoặc cúm người xảy ra, thì việc tuân thủ các quy tắc đảm bảo vệ sinh sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, không tiếp xúc với gia cầm sống hoặc chết, không đi đến các chợ gia cầm, che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, nấu chín kỹ các sản phẩm gia cầm. Nếu bạn bị ốm, bạn nên ở trong nhà không ra đường.
Hỏi đáp về Cúm gia cầm
Đại dịch cúm là gì?
Đại dịch là sự bùng phát dịch bệnh trên toàn cầu. Đại dịch cúm xảy ra khi một loại vi rút cúm mới ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới.
Tại sao mọi người lại lo lắng rằng sự lây lan cúm gia cầm có thể dẫn đến việc xảy ra đại dịch?
Virus cúm có tính không ổn định cao và dễ thay đổi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra 3 điều kiện tiên quyết đối với việc bùng phát đại dịch là:
- Thứ nhất, phần lớn người dân không có sức đề kháng hoặc sức đề kháng yếu đối với loại vi rút mới xuất hiện.
- Hai là, loại vi rút mới này phải có khả năng lây truyền cho người và có khả năng gây bệnh.
- Cuối cùng, loại vi rút mới này phải truyền bệnh được từ người sang người và gây ra sự bùng phát bệnh trên diện rộng trong cộng đồng.
Virus cúm H5N1 đã hội đủ hai điều kiện đầu tiên. Nếu như nó có thể đáp ứng được điều kiện thứ 3 thì virus H5N1 sẽ gây ra đại dịch. Vậy việc xảy ra đại dịch có thể tránh khỏi không?
Tổ Chức Y Tế Thế Giới lạc quan rằng nếu có biện pháp đúng đắn để khống chế dịch bệnh ở gia cầm và cả ở người, phát hiện sớm và ứng phó nhanh đối việc bùng phát các ổ dịch thì sẽ giảm nguy cơ xảy ra đại dịch cúm.
Sự hiểu biết sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa được sự lây nhiễm bệnh. Các biện pháp phòng ngừa sau có thể ngăn ngừa được sự lây nhiễm vi rút sang người như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là sau khi chế biến trứng hoặc thịt gia cầm; chỉ ăn sản phẩm gia cầm được nấu chín kỹ (thịt không còn màu hồng, trứng không còn lòng đào); không tiếp xúc với gia cầm ốm hoặc chết; giết mổ gia cầm an toàn và báo ngay cho chính quyền địa phương khi phát hiện thấy gia cầm ốm hoặc chết.
PV