Mập mờ nhân điện

Nhân điện là một khái niệm mà đến nay khoa học hiện đại vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể, xác đáng. Môn này du nhập vào Việt Nam thời gian qua từ những Việt kiều cùng những nguồn tài liệu truyền tay… có giời mới biết nguồn gốc.

Chưa được kiểm chứng rõ ràng, nhập nhèm trong hiệu quả, thế mà đang có rất nhiều người bỏ công, bỏ của khăng khăng đi học nhân điện để trở thành siêu nhân.

 

Cơ sở tồn tại

 

Nhân điện thực chất là gì, nó có tác dụng ra sao, phương pháp tập luyện thế nào thì cho đến nay chưa ai có một công trình nghiên cứu cụ thể, khoa học đáng tin cậy, dù khái niệm này đã du nhập vào Việt Nam bắt đầu từ 10 năm qua. Rất nhiều người thực chất không có một chút kiến thức và thông tin nào về nhân điện và cho rằng đó là một hoạt động tâm linh, nhuốm màu mê tín dị đoan.

 

Có một khái niệm chung chung nhất mà bất cứ người học nhân điện nào cũng đều biết. Đó là, nhân điện là sự tổng hợp của yoga - thiền - khí công. Cốt lõi của nhân điện là dùng khả năng thu nạp năng lượng từ môi trường vào cơ thể con người để tăng cường bảo vệ sức khỏe.

 

Vì có nhiều quan điểm khác nhau nên cách gọi tên cũng mỗi người một kiểu. Có người thì gọi nó với cái tên mĩ miều là năng lượng trường sinh, năng lượng vũ trụ. Nhiều người cho rằng, nhân điện cao siêu tới mức có thể dùng phương pháp này để chữa bệnh trực tiếp bằng bàn tay và gián tiếp chữa bệnh từ xa, kể cả xa hàng nghìn cây số mà không cần dùng thuốc hoặc chỉ dùng ít thuốc.

 

Thiền là một dạng của nhân điện
Thiền là một dạng của nhân điện

 

Lần giở lại sử liệu thì thấy rằng, các tôn giáo đã biết đến năng lượng sinh học từ lâu rồi. Ấn Độ giáo, trong kinh Vedas và Upanishads (cách đây trên 5.000 năm) có ghi sơ đồ hệ thống 7 luân xa rất hoàn chỉnh. Người ta cho rằng đây chính là những điểm hút năng lượng vũ trụ, là trung tâm của cơ thể, đồng thời là nơi mà qua đó con người được giao tiếp với thế giới bên ngoài.

 

Người Ấn Độ cổ gọi năng lượng này là "prana", người Trung Hoa phát âm là "chi" hay "qi" , người Việt Nam gọi là khí, "ki" là cách gọi của người Nhật Bản, "ghee" ở người Hàn Quốc và "prana" ở người Ấn Độ. "Khí" nghĩa thông thường có liên quan đến "không khí" hoặc "chất hơi", một chất không hình, không màu, không mùi vị, dễ di động, dễ phân tán, dễ tích tụ, tính co dãn có thể tạo nên sức ép lớn mạnh, tùy theo số lượng của nó. Tiếng Anh gọi nó là energy có nghĩa là năng lượng. Năng lượng là nguyên tố cấu tạo căn bản và là nguồn gốc của sự sống. Họ thu khí prana bằng phép thở, thiền tịnh và luyện yoga.

 

Chính nguồn năng lượng này sẽ tác động làm cho các phân tử nước trong không khí và trong cơ thể người bệnh bị ion hóa. Đứng về góc độ khoa học, đây là sự tái cấu trúc H2O như một quá trình điện phân bởi sức mạnh của năng lượng tương tác và đã làm tỷ lệ oxy hydro mang điện tích âm (OH-) tăng đáng kể.

 

Các chất gây ô nhiễm tồn tại trong không khí như các loại khí gas, axit lưu huỳnh, nitrogen monoxide, carbon monoxide, khí ozon, các loại chất hữu cơ khác và thức ăn thực phẩm chứa nhiều hóa chất không an toàn… làm hình thành ion dương (+). Những ion dương này sẽ làm tổn hại các tế bào và mô gây ra đau nhức và bệnh tật. Nếu một khi những ion dương này trong cơ thể người bệnh bị ion âm trung hòa, từ đó giúp cơ thể sẽ hết đau bệnh mà phục hồi sức khỏe.

 

Ở trong không khí, những ion dương sẽ bị ion âm bám lấy, trung hòa, làm kết tủa các chất gây ô nhiễm, từ đó giúp duy trì bầu không khí trong lành, mát dịu. Oxy là điều cần thiết cho đời sống con người, nhưng khi quá nhiều oxy trong cơ thể cũng là không tốt. Năng lượng sẽ giúp những oxy dư thừa thành những oxy mang điện tích âm sẽ có lợi cho cơ thể hơn.

 

Như vậy, nếu chiếu theo những luận chứng này thì nhân điện là phương pháp thu nhận năng lượng bằng sự công phu luyện tập yoga. Thiền định và hít thở cũng là một môn dưỡng sinh để thu nạp năng lượng vào cơ thể. Mục đích là để âm dương được cân bằng và lục phủ ngũ tạng của cơ thể được cân bằng, tăng đề kháng.

 

Nói một cách chính xác, hiệu quả chữa bệnh băng năng lượng của ngành nhân điện khó có thể phủ nhận được về mặt y học. Trong thực tế ngày nay, đã có nhiều nhà khoa học ở một số nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia… và gần đây là Nhật Bản, Hàn Quốc đã sản xuất được nhiều thiết bị y khoa điện tử để tạo ra được những Ion âm dùng để chăm sóc sức khỏe và ngăn ngừa bệnh ung thư và một số bệnh nan y khác.

 

Hoang tưởng… lúa nhân điện

 

Những thành quả của nhân điện ở Việt Nam thực sự là chưa thực sự rõ ràng. Có một thời người ta còn nhiệt tình đến mức nghĩ ra cả thứ gạo từ “lúa nhân điện”. Nghĩa là các nhà nhân điện mỗi tuần về "nhìn" ruộng lúa vài ba lần, mỗi lần "nhìn" từ 30 giây đến 1 phút để "truyền năng lượng" cho cây lúa chứ không hề sử dụng phân, thuốc trừ sâu, trừ cỏ hóa học, thế thì “gạo nhân điện có độ trắng cao, độ bóng tốt, chất lượng cơm nấu thơm ngon, độ dính vừa phải". Bên cạnh đó có một số đặc điểm đáng chú ý như cơm nấu từ gạo nhân điện để lâu thiu, lúa nhân điện ít bị chuột phá, màu sắc sáng hơn do không bị bọ xít, cân thử 1.000 hạt lúa nhân điện thấy nặng hơn lúa thường, do vậy tỷ lệ gạo nhân điện sau xay xát cao hơn lúa thường.

 

Nhiều ý kiến phản bác rằng, cứ cho là có sự tồn tại của nhân điện và vai trò nhân điện ở đây là dinh dưỡng, là sức đề kháng cho cây lúa, vậy "liều lượng nhân điện" là bao nhiêu cho mỗi đơn vị diện tích? Đem nhân điện tác động lên cây lúa, nhân điện tác động theo phương thức nào? "Công lực" của mỗi người mỗi khác, làm sao đánh giá được người đó có thực hiện được hay không?

 

Đã có một loạt câu hỏi đặt ra với vấn đề này. Một điểm dễ dàng nhận thấy rằng, nhân điện có tác động tốt như vậy tại sao vẫn phải cần 3 yếu tố: đất, con người, giống. Thực tế có khác gì kinh nghiệm đúc kết từ ngàn năm của những người nông dân: "Nhất nước nhì phân, tam cần, tứ giống"? Rõ ràng yếu tố "đất" đã bao gồm "nước" và "phân"; "cần" ở đây là "con người". Nếu có đủ các yếu tố đó thêm một chút biện pháp kỹ thuật thì đủ để lúa tốt rồi. Nhân điện là thừa.

 

Các thang đánh giá: độ phì nhiêu, chỉ tiêu dung tích hấp thu, so sánh cân thử 1.000 hạt... là theo tiêu chuẩn nào? Thế giới đánh giá ra sao? Họ đánh giá các chỉ số gì? Các đặc điểm được đưa ra so sánh: để lâu thiu, ít bị chuột phá, màu sáng hơn do không bị bọ xít... căn cứ vào đâu, so với chuẩn mực nào? Chưa kể "tỷ lệ gạo nhân điện sau xay xát cao hơn lúa thường" là tỷ lệ gì? Cao hơn nhờ cái gì? Cái đó có lợi gì? Những đánh giá này phải thật thận trọng, khách quan và khoa học.

 

Chuyện gạo nhân điện là một trong rất nhiều những chuyện lạ lùng về ứng dụng của ngành này với khoa học. Có thể khẳng định rằng, nhân điện ở một góc độ đã thể hiện được tác dụng với sức khỏe con người. Tuy nhiên, chính vì tính chất của ngành này nên nhiều người đã gắn những câu chuyện mê tín, hoang đường vào nó và biến nó thành thứ siêu năng lực, có những tác dụng khác xa sự thực. Đáng tiếc là hiện nay, đang có rất nhiều người đang sẵn sàng bỏ công, bỏ của để theo những ông thầy dạy nhân điện tự phong, chẳng có bằng cấp, giấy phép gì mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở kỳ sau.

 

Theo Vũ Hải Hậu

Petrotimes