Măng tre làm thuốc
Theo y học cổ truyền, măng tre có vị ngọt, hơi đắng, tính mát bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, chỉ khát, tiêu đờm, nhuận táo, chống co thắt. Măng có thể chữa được một số bệnh như sốt cao, ho, mụn nhọt, đầu đinh....
Chữa sốt cao
Lấy măng tre mọc được 10-20cm đã lột bỏ lớp mo nang, rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ (30g) ép cùng với gừng tươi (10g), lấy nước uống làm một lần. Ngày uống hai lần.
Chữa ho
Măng tre (20g), chua me đất hoa vàng (20g), rễ dâu (10g, chỉ lấy phần vỏ trắng ở trong, tẩm mật, sao vàng), gừng (8g).
Tất cả giã nát, thêm ít đường hoặc mật ong, hấp cơm 10-15 phút. Lấy ra, để nguội, uống.
Chữa mụn nhọt, đầu đinh
Măng tre mới nhú (20g), bồ công anh (10g), gừng (5g), thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày.
Chữa hen suyễn, thấp khớp
Măng tre (40g) giã nát, ép lấy nước. Ốc sên (loài ốc to, có vỏ dày bóng, màu vàng nâu đen, miệng không có vảy, thường phá hoại cây cỏ, rau màu), lấy 2 con, đập bỏ vỏ, ruột, dạ dày và thực quản, chỉ lấy phần thịt xát với muối và phèn chua, rửa sạch cho hết nhớt, nướng vàng, thái nhỏ, rồi nấu lấy nước đặc. Trộn hai nước, uống làm 1-2 lần trong ngày. Dùng trong thời gian dài.
Dùng ngoài
Măng tre (100g) phối hợp với quả hồi (50g), lá chanh (50g), lá thuốc lào (50g), rửa sạch, giã nát, đắp chữa sâu quảng.
Người tỳ vị hư hàn hoặc đang dưỡng bệnh không nên dùng măng tre vì khó tiêu; người bị bệnh sốt rét ăn măng tre dễ bị tái phát.
Sức khỏe và Đời sống