Mang gen đột biến, người phụ nữ có nguy cơ mắc nhiều loại ung thư

Hồng Hải

(Dân trí) - Người phụ nữ 47 tuổi lần lượt phát hiện 2 loại bệnh ung thư. Trước đó, năm 39 tuổi, chị được chẩn đoán ung thư vú nguyên phát; năm 43 tuổi được chẩn đoán ung thư buồng trứng nguyên phát.

GS.TS. Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về ca lâm sàng, các bác sĩ đã tiến hành tư vấn di truyền trường hợp ung thư vú, ung thư buồng trứng mang đột biến gen BRCA1.

Theo GS Khoa, đột biến gen BRCA1 (BReast CAncer gen 1) đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra có liên quan đến ung thư vú và buồng trứng (Hội chứng ung thư vú - buồng trứng di truyền; HBOC - Hereditary breast and/or ovarian cancer).

Theo đó, nếu người mang đột biến trên gen BRCA1 thì trong suốt cuộc đời họ, nguy cơ mắc ung thư vú, buồng trứng có thể lên đến 87% và 63%. Ngoài ra, đột biến trên gen này cũng làm tăng nguy cơ một số ung thư khác như ung thư tụy, phúc mạc, đại tràng... 

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết, ca lâm sàng là trường hợp bệnh nhân nữ 47 tuổi bị ung thư vú và ung thư buồng trứng nguyên phát mang biến thể gây bệnh trên gen BRCA1.

Trước đó, năm 39 tuổi, bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư vú nguyên phát; chẩn đoán ung thư buồng trứng nguyên phát năm 43 tuổi.

Bệnh nhân có mẹ đẻ và dì ruột được chẩn đoán ung thư buồng trứng năm 50 tuổi đã phẫu thuật và hóa trị. Hiện tại bệnh ổn định. Ngoài ra trong gia đình không có ai mắc các bệnh ung thư khác như ung thư tụy, phúc mạc, đại tràng…

 Ở thời điểm phát hiện ung thư vú phải nguyên phát, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư biểu mô ống xâm nhập, đã điều trị phẫu thuật cắt vú phải, truyền hóa chất và xạ trị. Bệnh nhân tái khám định kỳ, bệnh ổn định.

Năm 43 tuổi, trong lần khám định kỳ bệnh nhân được phát hiện khối u buồng trứng phải. Kết quả chụp PET/CT cho thấy: hình ảnh khối u buồng trứng phải tăng hấp thu FDG. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ, 2 phần phụ và mạc nối lớn. Kết quả mô bệnh học là ung thư biểu mô thanh dịch độ cao.

GS Khoa cho biết, dựa vào các dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành phân tích nguy cơ mang đột biến trên 2 gen liên quan nhiều đến ung thư vú và buồng trứng là BRCA1 và BRCA2 trên phần mềm thống kê tiêu chuẩn.

Mang gen đột biến, người phụ nữ có nguy cơ mắc nhiều loại ung thư - 1

Kết quả phân tích nguy cơ trên phần mềm thống kê.

 "Sau khi phân tích, chúng tôi nhận thấy nguy cơ của bệnh nhân tăng rất cao so với nguy cơ nền của dân số nói chung. Cụ thể, nguy cơ ung thư trong 10 năm và trong suốt thời gian sống lần lượt là 18,8% và 65,3%, nguy cơ mang đột biến gen BRCA1 là 86,42% và BRCA2 là 0,91%", GS Khoa nói.

Khi tiến hành xét nghiệm di truyền phân tích gen BRCA1 và BRCA2 theo phương pháp giải trình tự bằng kỹ thuật giải trình tự gen, kết quả cho thấy phát hiện một biến thể có thể gây bệnh. Đột biến này làm mất đoạn exon 2 của gen BRCA1 gây biến đổi trình tự mã hóa protein, tạo ra các protein bất thường do đó có khả năng dẫn đến các biểu hiện lâm sàng quan sát được trên bệnh nhân.

Tư vấn di truyền được tiến hành cả trước và sau khi bệnh nhân làm xét nghiệm nhằm cung cấp thông tin rõ ràng, cần thiết cho bệnh nhân về lợi ích, hạn chế của xét nghiệm di truyền cũng như nguy cơ, tiên lượng bệnh và thảo luận các phương pháp điều trị  liên quan hiện nay.

Trong trường hợp này, khi mang đột biến, bệnh nhân sẽ đáp ứng tốt với các phác đồ hóa trị có chứa platin và có chỉ định điều trị thuốc ức chế PARP khi bệnh tái phát hoặc di căn xa. Đáng chú ý, người thân cấp độ một (bao gồm bố mẹ, anh chị em ruột và con đẻ) cần được tư vấn di truyền và xem xét tiến hành xét nghiệm di truyền ngay khi có thể để có kế hoạch tầm soát và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, ở trường hợp người bệnh có tiền sử 2 người thân mắc ung thư buồng trứng trong cùng một phía phả hệ (bên mẹ), người bệnh cần được tư vấn di truyền và cân nhắc xét nghiệm di truyền tùy từng trường hợp cụ thể để tìm nguy cơ ung thư di truyền. Từ đó đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp, tiên lượng bệnh cũng như tầm soát, can thiệp kịp thời cho thân nhân người bệnh.