Mãng cầu, nho giúp phòng chống ung thư hiệu quả
Các nhà khoa học Kenya đã phát hiện ra đặc tính chống ung thư của mãng cầu và nho châu Phi. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả của các chiết xuất từ hai loại trái cây này trong việc ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư.
Các chiết xuất thảo dược và các chất chống ung thư có nguồn gốc từ thực vật đang ngày càng được coi trọng bởi sự an toàn đối với các tế bào khỏe mạnh.
Các chất chống ung thư chiết xuất tự nhiên là các chất chuyển hóa thứ cấp do thực vật sản xuất ra gồm các chiết xuất từ carbohydrate thực vật, steroid, glycoside, alkaloid, tannin, saponin, terpenoit, flavonoid và các hợp chất phenolic khác…
Trong một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Y tế Kenya, các nhà khoa học nước này đã phát hiện ra đặc tính chống ung thư của hai loại cây địa phương có tên khoa học là Annona senegalensis hay còn gọi là mãng cầu châu Phi và Allophylus africanus được gọi là nho châu Phi. Đây là lần đầu tiên hiệu quả phòng chống ung thư của các loại thực vật này được đánh giá bằng các biện pháp khoa học.
Nghiên cứu cho thấy các loại cây này có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống ký sinh trùng và chống viêm. Mãng cầu châu Phi cũng được phát hiện có tác dụng chống ung thư cổ tử cung, da và tuyến tụy. Trái của mãng cầu châu Phi có mùi thơm dễ chịu, giống mùi dứa và vị tương tự như mơ. Chúng được sử dụng để chữa tiêu chảy, kiết lỵ, nôn mửa, các vấn đề về tiêu hóa, rắn cắn, đau răng và nhiễm trùng đường hô hấp… Còn nho châu Phi vốn là phương thuốc tự nhiên cho các bệnh như tiêu chảy, đau răng, nhiễm ký sinh trùng, bệnh hoa liễu, ho, viêm khớp và thấp khớp.
Các nhà nghiên cứu đã chiết xuất để tách xuất các hợp chất hữu ích trong hai loại cây này. Kết quả cho thấy hiệu quả của các chiết xuất trong việc ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư vú (HCC 1396), ung thư cổ họng (HEp-2) và ung thư ruột kết (CT 26). Chiết xuất từ trái mãng cầu châu Phi cho thấy hoạt tính chống tăng sinh cao nhất đối với HEp-2 và tính chọn lọc cao nhất đối với tế bào ung thư. Chất chiết xuất từ nho sai châu Phi cũng cho thấy hoạt động chống tăng sinh tốt đối với HEp-2.
Phát hiện này đã mở ra hướng điều trị mới áp dụng rộng rãi cho bệnh ung thư ở các quốc gia kém phát triển như châu Phi.