Mầm bệnh từ vật nuôi trong nhà

(Dân trí) - Vật nuôi ở đây là chó, mèo, chim cảnh - những động vật gần gũi với cuộc sống đời thường của con người, mang lại cho chúng ta cảm giác vui vẻ, ấm áp, an tâm. Tuy vậy chúng cũng có thể đem lại bệnh tật cho chúng ta.

Bệnh giun

 

Loài giun sống ký sinh trong cơ thể chó, mèo, chim cảnh như giun đũa, giun móc, giun kim, sau khi xâm nhập cơ thể người vì không thích ứng với môi trường mới nên chúng vẫn chỉ ở dạng ấu trùng và di chuyển khắp nơi trong cơ thể, gây bệnh cục bộ các cơ quan.

 

Bệnh do sự di chuyển của ấu trùng ký sinh có thể chia thành hai loại: bệnh da và bệnh nội tạng. Bệnh ở da thường có biểu hiện mẩn ngứa, có thể gây sẹo. Bệnh ở nội tạng nếu là do giun kim của chó, mèo thì thường ảnh hưởng đến phổi.

 

Bệnh dại

 

Theo điều tra, 15 - 30% chó khỏe mạnh có mang vi khuẩn bệnh dại, tức là mỗi con chó khỏe mạnh luôn có nguy cơ biến thành chó dại.

 

Bệnh phổi

 

Trong nước dãi, phân, lông của chim chóc có chứa một số chất kháng nguyên, người có thể chất quá nhạy cảm, hay bị dị ứng, khi hít những kháng nguyên này dễ mắc bệnh ho, viêm phổi.

 

Viêm mũi do dị ứng

 

Mũi ngứa ngáy khó chịu, hắt hơi liên tục, ngạt mũi, chảy nước mắt, nhức đầu do tác nhân là lông của vật nuôi. Bệnh mau khỏi nhưng cũng dễ tái phát.

 

Bệnh sốt mèo cào

 

Xảy ra sau khi tổn thương trên da do bị mèo cắn hoặc cào. Một vài ngày sau khi bị cào, những mụn nhỏ đầy mủ mọc lên ở vết thương; vết thương trở lên đau đớn và sưng phồng sau 7 - 14 ngày; các hạch bạch huyết thuộc vùng vết thương có thể viêm, sưng do mọng mủ, đôi khi bị áp xe nặng; có thể sốt nhẹ kèm nhức đầu, ớn lạnh, uể oải. Bệnh có thể kéo dài từ 2 tuần đến vài tháng.

 

Từ những bệnh tật nêu trên, ta nên chú ý vấn đề vệ sinh, bảo vệ cơ thể khi nuôi nấng, tiếp xúc với chó, mèo, chim cảnh. Ngoài ra cần thường xuyên rửa ráy, tẩy độc lồng chim, chuồng chó, mèo theo định kỳ và luôn quan tâm đưa chó mèo đi chích ngừa bệnh dại.

Thu Hoài - Phúc Lưu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm