1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mầm bệnh từ túi nilon kém chất lượng

Túi nilon được sản xuất thủ công bằng chất liệu tái chế không đảm bảo chất lượng đang được các tiểu thương sử dụng phổ biến để đựng hàng hóa cho khách hàng.

Chỉ biết bán, không biết nguồn gốc
Chỉ biết bán, không biết nguồn gốc

 

Dạo qua một số chợ ở khu vực Hà Nội như: Đồng Xa, Chợ Bưởi, Kim Liên, Đồng Xuân …có rất nhiều quầy chuyên bán và phân phối các loại túi nilon cho các tiểu thương ở các chợ. Tại những sạp bán buôn này, túi nilon đủ loại được chất đống trong các bao bì được đóng gói sẵn. Muốn đi giao cho tiểu thương thì các “đầu nậu” phải thuê người đóng gói thành từng loại riêng lẻ theo từng trọng lượng riêng 1kg, 2kg,3kg …

 

Mới đây, bà Đào Thị Sinh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) phát hiện túi nilon do các tiểu thương sử dụng để bán hàng bị ra màu. Sau khi mua nửa ký thịt bò ở chợ Bình Chánh về và cất vào tủ lạnh, khoảng một giờ sau, số thịt bị nhuộm toàn một màu xanh của túi nilon.  Chị Ngọc Trân (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng cho biết, thời gian gần đây, chị cũng bị một vài lần với tình trạng tương tự. Chị Trân cho rằng, thịt cá, đặc biệt là những hàng hóa ướt, chắc chắn sẽ bị dính màu nếu người tiêu dùng không lấy ra khỏi túi ni lông ngay khi mua về nhà. Sau một vài lần phải loại bỏ thức ăn vì dính màu, chị Trân thử vò túi ni lông thì phát hiện túi rơi ra rất nhiều bột.

 

Điều đáng nói là, khi ở gần những sạp hàng này mùi hôi đặc trưng của nilon bốc lên nồng nặc. Theo quan sát của phóng viên, có nhiều lô hàng cũ đã để lâu ngày có màu bạc phếch được các chủ cơ sở chỉ đạo cho đóng gói xen lẫn cũng với các loại mới để “tuồn” đi cho hết hàng. Trong vai một người đến đặt hàng, chúng tôi có tiếp cận được với anh Tài (chợ Đồng Xuân).

 

Anh Tài cho biết: “ Ngày đầu, tôi cũng chỉ buôn bán nhỏ lẻ, nhập hàng từ các xe ô tô chở đến, nhưng thấy lượng tiêu thụ những loại túi này nhiều, tôi mới chuyển hẳn sang buôn loại này đấy chứ”. Về nguồn gốc cơ sở sản xuất: “gần 2 năm buôn mặt hàng này, chúng tôi có phải đi nhập bao giờ đâu, họ cứ 10 ngày một, đánh cả ô tô đến giao cho 2 ba chỗ, chứ địa chỉ cơ sở sản xuất thì tôi cũng chịu”.

 

Khác với anh Tài, chị Thuần ở chợ Đồng Xa cũng là người chuyên bán đồ đồ nhựa và túi nilon cho biết: “ Các em cứ yên tâm, hàng của chị là hàng chuẩn, màu đậm, không phai như mấy loại bán ngoài vỉa hè đâu, lấy nhiều không chị bán rẻ cho”. Với mức giá là 20.000 đồng/ 1kg với những người mua với số lượng nhiều, chúng tôi tỏ vẻ kêu đắt và đi hàng khác, khi đó chị Thuần nói với theo với giọng mỉa mai: “Muốn rẻ thì về tận Hà Tây, Bắc Ninh mà mua, chứ ở đây đố tìm được hàng nào dưới 2 đồng (20.000/1kg)”.

 

Qua lời nói đó, có thể thấy được rằng, nguồn gốc của những cơ sở sản xuất những loại túi nilon này có thể là ở khu vực ngoại thành Hà Nội (Hà Tây cũ) hoặc khu vực Bắc Ninh, nhưng sự thật về các loại nhựa và hóa chất làm nên túi nilon thì vẫn là ẩn số và chính những người bán túi cũng không hề biết.
 

Theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam, giá mỗi kg túi nilon trên thị trường nếu bán buôn thì khoảng 15 – 20 ngàn đồng/ 1kg, còn bán lẻ là 25 – 30 ngàn đồng/ kg, thậm chí có những loại gần 40 ngàn đồng/ 1kg, tùy loại.

 

 
Túi nilon ra màu ngấm vào thức ăn rất độc với người sử dụng
Túi nilon ra màu ngấm vào thức ăn rất độc với người sử dụng

 

Biết độc nhưng tiện cứ dùng

 

Đối với người bán thì mù mờ về sản phẩm còn người sử dụng không những không quan tâm đến nguồn gốc mà họ còn “vô trách nhiệm” đối với chính sức khỏe của bản thân, khi biết là có độc mà vẫn cứ dùng.

Chị Hồng Thắm, người mua hàng ở chợ Xanh (Cầu giấy – Hà Nội) cho biết: “ Chẳng riêng gì túi, giờ cái gì chẳng độc, cái gì chẳng hóa chất, dù không muốn vẫn phải dùng thôi”.

 

Còn chị Bích Duyên (Mai Dịch, Cầu giấy, Hà Nội) chia sẻ, tôi cũng nghe nhiều về việc túi nilon độc hại, không tốt cho sức khỏe, nhưng thử hỏi, nếu không có túi nilon thì sẽ làm sao? “Chẳng lẽ, buổi sáng đi làm mỗi người xách theo cái làn đi để chiều về đi chợ à. Còn nếu dùng loại túi giấy thì cũng được đấy, nhưng liệu có để được những đồ ăn có nước không?” chị Duyên nói.

 

Không chỉ dùng túi nilon một chốc một lát, mà nhiều gia đình còn trực tiếp bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh bằng túi nilon trong vòng nhiều ngày. “Tôi thấy nhiều gia đình còn gói gém đồ ăn tươi, đồ ăn chín vào túi nilon để trong tủ lạnh hàng tháng trời mới bỏ ra ăn có sao đâu?, nếu chết thì đã chết lâu rồi”, chị Duyên nói với vẻ mặt thản nhiên.

 

Không chỉ có những hộ gia đình mà những bạn sinh viên cũng tận dụng khá triệt để các loại túi nilon, đặc biệt là việc mua cơm ở các quán bình dân. Theo khảo sát của phóng viên, rất nhiều bạn sinh viên khi mua “cơm bụi”, ngoài cơm và đồ ăn để trong các hộp xốp không mấy an toàn, thì nước canh, nước mắm … đều được các bạn sử dụng túi nilon để đựng. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, vì các loại hóa chất, phẩm màu từ túi nilon khi gặp nóng sẽ rất nhanh thôi rữa, thậm chí còn tạo ra phản ứng đối với các loại gia vị có tính mặn như nước mắm, bột canh. Điều này rất nguy hiểm đối với sức khỏe.

 

Tay xách nách mang túi nilon

Tay xách nách mang túi nilon 

 

Cần phải có chế tài cụ thể

 

Thực tế việc tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng túi nilon và cảnh báo tác hại của túi nilon đối với sức khỏe đã được nhiều cơ quan, tổ chức xã hội thực hiện. Địa phương đi đầu cho phong trào này là Thành phố Hà Nội. Hàng năm, Hà Nội tổ chức rất nhiều chiến dịch, phong trào do UBND Thành phố, Đoàn thanh niên, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức như: Phong trào nói không với túi nilon, ngày chủ nhật xanh … Tuy nhiên, kết quả của những phong trào này thu lại chẳng được là bao, người dân dùng thì vẫn cứ dùng.

 

Thậm chí ở Việt Nam, một số siêu thị, cửa hàng đã dần đưa các loại túi thân thiện với môi trường vào sử dụng. Tuy nhiên, do tổ chức không đồng bộ, chỉ thực hiện ở các siêu thị thì hiệu quả vẫn chưa thực hiện rõ rệt, vì lượng lớn túi nilon được sử dụng ở các chợ buôn bán nhỏ lẻ và ở nông thôn.

 

Theo ý kiến của các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, chúng ta nên học tập kinh nghiệm nước ngoài về việc triển khai và quản lý khắt khe việc người dân sử dụng túi nilon. Ví dụ như việc qui định hạn chế sử dụng túi nilon như các nước đã từng sử dụng. Hoặc bằng cách đánh thuế vào người đi chợ sử dụng túi nilon, hay tính phí cho các công ty phân phối sản phẩm này.

 

Đồng thời, các siêu thị tính thêm tiền cho khách hàng khi có nhu cầu sử dụng túi nilon ... như vậy mới có thể hạn chế được người dân sử dụng loại túi này. “Nếu cứ rè rặt, không đưa ra một chế tài cụ thể mà chỉ dựa vào tuyên truyền và ý thức người dân thì việc nói không với túi nilon sẽ rất khó thực hiện”, một nhà hoạt động bảo vệ môi trường cho ý kiến.

 

Theo Uyên Chi - Phương Lê

Chất lượng Việt Nam