Mắc ung thư hạch, ăn uống như thế nào để đảm bảo sức khỏe?

(Dân trí) - Tôi có người nhà mới được chẩn đoán ung thư hạch. Bác sĩ có lời khuyên như thế nào đối với người bệnh về chế độ ăn uống, tập luyện để đảm bảo sức khỏe?

TS.BS Vũ Đức Bình, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Hà Nội): Chăm sóc người bệnh trong điều trị ung thư hạch về cơ bản cũng giống như chăm sóc người bệnh khác. Tuy nhiên, ở những giai đoạn mà người bệnh cần chuẩn bị cho một đợt xạ trị, hóa trị hay trong quá trình bệnh nhân điều trị cũng có những tác dụng phụ.

Về cơ bản việc chăm sóc đó không cần những phương pháp đặc biệt mà chủ yếu dựa trên việc chăm sóc các biến chứng xảy ra trong quá trình điều trị, đó là những chăm sóc chuyên đề về y tế do các nhân viên y tế đảm nhiệm. Về sinh hoạt, trong giai đoạn bị bệnh cần phải hạn chế vận động nặng, lưu ý cho người bệnh ăn uống đủ chất và đảm bảo vệ sinh. Đó là những yếu tố đặc biệt quan trọng trong vấn đề chăm sóc cho bệnh nhân điều trị ung thư hạch.

Có một lưu ý mà mọi người hay hỏi là việc sử dụng thêm thực phẩm bổ dưỡng có cần thiết hay không. Đã có nhiều tranh luận về vấn đề này, tuy nhiên theo lời khuyên chúng tôi, các thực phẩm bổ dưỡng trong thời điểm điều trị hóa trị cũng như trong chăm sóc sức khỏe không có giá trị nhiều trong việc góp phần điều trị bệnh.

Đặc biệt, nếu như không kiểm soát được nguồn của các thực phẩm thì đôi khi rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Ví dụ, có trường hợp bệnh nhân bị ung thư hạch khi ra viện, tự ý đi cắt thuốc nam để uống, sau đó, bệnh nhân bị suy thận, suy gan rất nặng và khi quay lại bệnh viện chúng tôi không thể điều trị cho người bệnh nữa vì khi các chức năng phủ tạng bị tổn thương sẽ không có cơ hội để sử dụng các hóa chất điều trị tích cực nữa. Đó là điều rất tiếc trong quá trình điều trị cho người bệnh nên mọi người cần lưu ý vấn đề này. Không có thực phẩm nào có thể giúp tăng sức đề kháng triệt để cho người bệnh để giúp bệnh nhân chữa bệnh, chống lại bệnh tật.

Trong quá trình điều trị bệnh, người bệnh không cần kiêng thực phẩm nào, trừ các thực phẩm mà người bệnh ăn vào bị dị ứng. Các thực phẩm cho bệnh nhân nên đảm bảo đủ và không dư thừa. 

Ví dụ, người bị ung thư vẫn có thể ăn thịt bò nhưng nên ăn vừa đủ để đảm bảo đủ năng lượng và không gây ra các phản ứng trái chiều khi điều trị. Lời khuyên quan trọng nhất là bệnh nhân phải tuân thủ điều trị, có chế độ ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tập luyện vừa sức, phù hợp với sức khỏe.