Mặc quần áo bó dễ bị say nắng
Mặc quần chật trong những ngày nắng nóng khiến sự lưu thông của máu bị hạn chế, dễ dẫn đến say nắng. Nếu say nắng đi kèm với tổn thương thần kinh trung ương do tia nắng thì có thể dẫn đến tử vong.
Theo TS Lương Chí Thành, Viện Thông tin Y học, khi hoạt động kéo dài trong môi trường có nhiệt độ cao, hay khi sự thải nhiệt của cơ thể bị cản trở (do mặc quần áo không thấm nước, mặc quần áo bó sát, môi trường có độ ẩm quá cao) hoặc do đi quá lâu ngoài đường, thời gian phơi nắng dài quá mức chịu đựng của cơ thể... sẽ dẫn đến hiện tượng say nắng, cảm nắng. Trời đang nóng lại được cộng hưởng bởi chiếc áo bó sát người khiến mạch máu khó lưu thông, quá trình tuần hoàn và hô hấp trong cơ thể bị ảnh hưởng, cơ thể không thể thải nhiệt.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, bác sỹ Đạt Anh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, say nắng có thể kèm tổn thương thần kinh trung ương do tác động trực tiếp của tia nắng vào đầu, gáy, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong rất nhanh. Vào mùa hè, ở các đám tang, đám cưới hay hội hè, đông người lại tổ chức lâu, người tham dự dễ bị say nắng, hoặc say nóng. Những người bỗng nhiên mặt đỏ bừng bừng, người nóng rát, đầu choáng là đã bị say nắng thể nhẹ. Nặng hơn, sẽ thấy người mệt mỏi, mắt lờ đờ, vã mồ hôi, nhịp thở nhanh và yếu, chóng mặt, váng đầu, loạng choạng rồi ngã, thân nhiệt lên đến 40 - 41oC.
Theo bác sỹ Trương Ngọc Dương, Viện Quân y 103, mặc dù mặt bằng thời tiết như nhau, nhưng ở thành phố, vùng ít cây xanh, thì mức độ nắng nóng cao hơn. Ở lâu dưới nhiệt độ trên 38oC mà không đội mũ nón hoặc mặc quần áo bó sát, rất dễ trở thành nạn nhân của say nắng.
Theo các bác sỹ, khi bệnh nhân bị say nắng, cảm nắng cần phải được sơ cứu nhanh. Trước hết cần đưa ngay bệnh nhân ra khỏi môi trường nắng nóng. Đặt người bệnh ở nơi thoáng mát, cởi bỏ quần áo, chườm mát toàn thân bằng khăn thấm nước mát, lau nhẹ nhàng vùng nách, cổ, bẹn, chân tay, giội nước mát lên người theo nguyên tắc từ chân lên đầu. Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì cho uống nước từ từ, ít một để tránh nôn. Nên cho người bệnh uống Oresol 1,5-2 lít trong giờ đầu (hoặc thay bằng nước đun sôi pha với ít muối và đường), sau đó cho uống nước trái cây, nước khoáng.
Theo cách chữa bệnh dân gian, quả dứa có nhiều tác dụng, trong đó có tác dụng chữa say nắng. Cho bệnh nhân uống nước dứa ép hoặc nghiền dứa tươi, lấy chút nước cũng giúp bệnh nhân bị say nắng nhanh thoát khỏi tình trạng choáng ngất, lờ đờ.
Theo Hạnh Quỳnh
Gia đình