Mắc khối u quái ác, bác sĩ trẻ mong nhìn con chào đời trước khi lên bàn mổ
(Dân trí) - Khi vợ mang thai hơn 8 tháng, BS Phạm Đăng Tính (khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện FV) phát hiện mình có khối u. Tiên lượng "lành ít dữ nhiều", anh lặng lẽ chờ con chào đời trước khi lên bàn mổ. Những gì anh trải qua sau đó như phép màu.
Bàng hoàng phát hiện khối u lớn hiếm gặp ở tuổi ngoài 30
Trong một lần khám sức khỏe, BS Phạm Đăng Tính tình cờ phát hiện một khối u kích thước lớn, nằm ở khung chậu bên trái. Anh tự nghiên cứu đồng thời hỏi các đồng nghiệp trong nam ngoài bắc về trường hợp của mình. Các chuyên gia đều đi đến kết luận: đây là khối u lớn rất nguy hiểm khi mổ vì nằm sát các cấu trúc mạch máu, thần kinh vùng chậu; không gian để tiếp cận và phẫu thuật khối u rất hẹp nên biến chứng khá cao, thậm chí những ca tương tự đã tử vong.
"Lúc đó, trời đất như đổ sập trước mặt tôi. Ở tuổi 31, tôi có những gì mình mong ước: công việc tốt ở một bệnh viện quốc tế, một gia đình nhỏ và đang chuẩn bị chờ đón đứa con thứ hai ra đời", bác sĩ Tính nhớ lại.
Trước ca bệnh quái ác của chính mình, trăn trở với hoàn cảnh vợ anh đang mang thai ở tháng thứ 8, anh quyết định giấu gia đình và trì hoãn cuộc phẫu thuật. Âm thầm nén chặt nỗi lo lắng trong lòng suốt hơn 1 tháng, cho tới khi đón con chào đời khỏe mạnh, BS Tính mới thông báo cho gia đình nhưng giấu đi tính chất nghiêm trọng của ca mổ. Anh chỉ tâm sự riêng với mẹ vợ về cuộc phẫu thuật lành ít dữ nhiều.
Anh dặn dò mẹ vợ: "Con tin tưởng giao phó sinh mạng cho các đồng nghiệp, dù có chuyện gì xảy ra thì mẹ và gia đình hãy tin rằng các đồng nghiệp của con cũng đã cố gắng hết sức".
Tin tưởng giao phó sinh mạng cho đồng nghiệp
Qua khảo sát chuyên sâu, các bác sĩ nhận định khối u nằm ở ngoài phúc mạc vùng chậu bên trái, kích thước 12x10x9cm, trải dài từ thắt lưng L4-L5 đến cạnh tuyến tiền liệt gần hậu môn. Đây là dạng u đặc, có nhiều mô canxi hóa. Khối u nằm tựa lên vách xương chậu bên trái, đồng thời tựa lên thần kinh L4-L5 và xương cùng; mạng lưới mạch máu chậu trong chằng chịt ở vách chậu trái bị đẩy qua phải, đồng thời u đẩy các cơ quan vùng chậu như trực tràng, bàng quang, niệu quản qua bên phải.
Bệnh viện FV đã tổ chức hội chẩn đa chuyên khoa gồm các bác sĩ Ngoại tổng quát, Ngoại thần kinh, Niệu khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê Hồi sức… để tính toán phương án phẫu thuật sao cho hiệu quả và an toàn nhất. BS.CKII Phan Văn Thái - Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV, phụ trách chính ca mổ - đã đề ra mục tiêu là bóc trọn khối u để giảm tối đa rủi ro tái phát u, hạn chế tối đa sang thương lân cận, tránh tai biến đại tiểu tiện không tự chủ sau mổ, hạn chế chảy máu.
Nhận định đây là ca mổ kéo dài, nguy cơ chảy máu cao nên êkíp mổ chuẩn bị sẵn sàng chế phẩm máu, đặt đường truyền máu tốt, theo dõi chặt chẽ huyết động học. "Chúng tôi coi bác sĩ Tính như người thân, thêm nữa đây là u hiếm nên chúng tôi càng phải tính toán kỹ lưỡng để cuộc mổ có kết quả tốt nhất", BS Nguyễn Thị Lam Giang - khoa Gây mê Hồi sức - chia sẻ.
Ca mổ cân não kéo dài 12 tiếng liên tục
Sáng ngày 06/11, bác sĩ Tính được đưa vào phòng mổ. Trước lúc gây mê, anh tin tưởng nắm chặt tay từng thành viên trong êkíp phẫu thuật, động viên mọi người thực hiện ca mổ trong tâm thế thoải mái nhất, nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra anh vẫn hài lòng với chọn lựa của mình và hoàn toàn tin tưởng giao phó sinh mạng cho các đồng nghiệp.
Êkíp phẫu thuật cho BS Tính gồm 4 bác sĩ do BS Phan Văn Thái phụ trách, cùng 4 bác sĩ gây mê hồi sức. Trong cuộc mổ, bác sĩ Thái tỉ mỉ tách các mạch máu, gỡ khối u ra khỏi mạng lưới mạch máu chằng chịt, bảo tồn tối đa hệ thống mạch máu.
"Có những vùng phải bóc tách từng milimet vì một khi mạch máu bị vỡ thì không có chỗ để cầm máu. Cách duy nhất là cắt ngang khối u ra và cầm máu cứu sống bệnh nhân, lúc đó ý nghĩa bóc trọn u tránh tái phát không còn nữa", bác sĩ Thái cho biết.
Khi bóc tách khối u, các bác sĩ phát hiện phần phía sau bên trái có vài nhánh thần kinh của dây thần kinh tọa hòa vào vỏ u, việc bóc tách thần kinh đồng nghĩa với việc để lại vỏ u, như vậy chắc chắn sẽ bị tái phát. Do đó, để đảm bảo khối u được loại bỏ, êkíp phẫu thuật quyết định cắt bỏ những nhánh thần kinh đã hòa vào u, chấp nhận bệnh nhân sẽ yếu một vài nhóm cơ ở chân trái.
Sau 12 tiếng, toàn bộ khối u được lấy ra ngoài, êkíp thở phào khi toàn bộ những thần kinh chi phối hệ niệu-dục dù rất nhỏ đã được bóc tách và bảo tồn trọn vẹn, bệnh nhân không cần truyền máu thêm. Khối u được gửi làm sinh thiết, kết quả cuối cùng là u bao sợi thần kinh (Schwannoma).
"Lúc tỉnh dậy, tôi vui lắm khi khối u đã được lấy trọn ra ngoài, vấn đề đại tiểu tiện vẫn tự chủ, và quan trọng nhất là tôi vẫn còn sống sau khi trải qua cuộc đại phẫu", bác sĩ Tính nhớ lại. Sau phẫu thuật, anh tiếp tục được tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để điều trị chứng yếu và tê chân trái.
Những gì trải qua với BS Tính có lẽ là một thử thách và cũng như một phép màu của cuộc sống. Là người tư duy tích cực, anh tin rằng mình sẽ sớm quay về với công việc tại Bệnh viện FV, để đóng góp nhiều hơn nữa cho việc cứu người theo sứ mệnh thiêng liêng mà anh chọn khi theo đuổi ngành y.