Mắc hội chứng hiếm gặp, bé gái Hà Nội có cột sống cong như chữ S
(Dân trí) - Góc vẹo từ 100 độ trở lên được xếp vào nhóm rất nặng, ảnh hưởng chức năng tim, phổi trong khi bé gái 13 tuổi này có góc vẹo lên đến 150 độ.
Mới đây, khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận một bé gái 13 tuổi, ở Hà Nội bị vẹo cột sống một góc 150 độ. Hình ảnh trên phim chụp cho thấy cột sống bệnh nhân uốn lượn như hình chữ S. Các đốt sống bình thường xếp chồng lên nhau thành một đường thẳng đứng thì nay xếp thành đường cong. Đốt sống nằm sát vào thành ngực thay vì nằm giữa cơ thể.
TS.BS Nguyễn Hoàng Long, Phó khoa Phẫu thuật Cột sống cho biết một trường hợp được chẩn đoán bị gù vẹo cột sống khi góc vẹo từ 10 độ trở lên, góc vẹo từ 100 độ trở lên như trường hợp này là rất nặng, ảnh hưởng đến chức năng tim phổi. Nguyên nhân của trường hợp này là do trẻ mắc hội chứng Marfan, độ vẹo tăng dần theo thời gian.
Hội chứng Marfan là một dạng bệnh do mô liên kết bị lỏng, khiến cho ngón tay chân dài, yếu ớt, cột sống bị vẹo. Các cơ quan mắt, thần kinh, hệ xương và hệ tim mạch bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo lời của gia đình, trẻ đã được điều trị ở nhiều nơi, có mặc áo chỉnh hình nhưng góc vẹo tiến triển lên, cột sống uốn cong theo hình chữ S.
Bác sĩ nhận định trường hợp này can thiệp rất khó khăn do chức năng hô hấp của trẻ kém không đảm trong quá trình gây mê, hậu phẫu về sâu. Vì thế, trước can thiệp, trẻ cần tập thở để cải thiện chức năng hô hấp. Góc vẹo của trẻ lớn nên phẫu thuật nắn chỉnh cột sống cũng hết sức nặng nề.
Theo BS Long, gù vẹo cột sống chiếm 2-3% trong dân số, tỷ lệ không phải quá cao nhưng hay tập trung lứa tuổi trẻ nhỏ, thiếu niên, tuổi học đường. Lý do vì ở độ tuổi này, cơ thể trẻ phát triển rất nhanh nên những bất thường nếu có sẽ bộc lộ rõ. Một số trường hợp bị bẩm sinh, có thể phát hiện ngay từ khi còn nhỏ.
Tình trạng này gây ảnh hưởng trước mắt là tính thẩm mỹ, một số trường hợp gù vẹo sớm ảnh hưởng chức năng hô hấp và tim mạch. Một số sẽ ảnh hưởng đến chức năng thần kinh như tiến triển gây liệt.
Có nhiều nguyên nhân gây gù vẹo như bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý thần kinh cơ, một số hội chứng gây dị tật nhiều cơ quan như bệnh về hệ liên kế của mô hội chứng Marfan, còn lại các trường hợp vẹo cột sống vô căn- không tìm thấy căn nguyên.
Dấu hiệu của bệnh khá dễ nhận ra nhưng đôi khi người lớn không để ý. Chẳng hạn cha mẹ có thể thấy hai vai con không cân bằng, một bên cao, một bên thấp, nhìn từ phía sau lưng có thể lấy một bên gồ lên một bên lõm. Ngoài ra, với trẻ bị gù vẹo cột sống khi tay để xuôi xuống sẽ thấy khoảng trống ở giữa hai bên. Ở một số trẻ nhẹ cân, cha mẹ có thể thấy phía sau lưng các đốt sống đáng nhẽ nối với nhau thành đường thẳng thì lại thành hình chữ S hoặc chữ C, bác sĩ Long cho biết.
Tùy theo nguyên nhân, tình trạng vẹo mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Thông thường những trường hợp có góc vẹo 10-20 độ bác sĩ sẽ theo dõi tiếp, từ 20-40 độ bệnh nhân được chỉ định dùng áo nẹp và vật lý trị liệu. Những trường hợp góc vẹo trên 40 độ mới xét chỉ định mổ.
Bác sĩ Long cũng lưu ý việc đeo áo đa phần để duy trì góc vẹo không tiến triển, chứ không nắn lại được cột sống. Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân phải mặc áo 14-20 tiếng 1 ngày mới có tác dụng.
Nếu không chữa trị kịp thời, về lâu dài sẽ gây biến dạng nặng cột sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cơ quan nội tạng khác như phổi, lồng ngực…. Nếu nhẹ hơn bệnh có thể gây ảnh hưởng thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti, ảnh hưởng đến phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Trung bình sau mổ cong vẹo cột sống, trẻ có thể cao thêm 5-6cm, có trường hợp cao lên khoảng 10cm.