1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mắc ho gà nguy hiểm, trẻ nguy kịch tính mạng

(Dân trí) - Tại khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) từ đầu năm đến nay tiếp nhận một số ca mắc ho gà, hiện vẫn đang có bệnh nhân được điều trị với trình trạng biến chứng viêm phổi nguy kịch, đe dọa tính mạng.

Nhiều biến chứng

BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cho biết, trước đây, ho gà vốn là bệnh “hiếm” và lâu không không tái xuất bởi đã được bảo vệ bằng vắc xin. Nhưng mấy năm trở lại đây ho gà đang trở lại. Từ đầu năm đến nay tại khoa, lúc nào cũng có vài ba ca ho gà nằm điều trị, trong đó có một số trường hợp nặng, đe dọa tử vong.

Trước đó, trong năm 2015 BV tiếp nhận khoảng gần 300 ca mắc ho gà, trong đó nhiều em bé có biến chứng viêm phổi, với thời gian điều trị trung bình từ 10 -15 ngày rất vất vả, khó khăn.


Ho gà gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, xuất huyết não và rất nhiều vấn đề phức tạp khác

Ho gà gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, xuất huyết não và rất nhiều vấn đề phức tạp khác

Theo BS Hải, khác với ho nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế lại được, ho liên tục, ho rũ rượi đến tím tái mặt mày, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho. Những cơn ho như rút ruột, rút gan trẻ, ho mạnh và vi khuẩn ho gà có thể gây biến chứng như viêm phổi, tràn khí màng phổi do ho quá mạnh. Khi ho trẻ thường bị chảy nước mắt nước mũi, thậm chí xuất tiết mắt.

Không chỉ gây ho, mà ho gà còn có thể gây biến chứng nguy hiểm như gây viêm phổi nặng, xuất huyết não và rất nhiều vấn đề phức tạp khác. Nhiều ca phải thở máy dài ngày. Trong khi đó, với trẻ nhỏ phải vào thở máy vì suy hô hấp cơ hội là 50 – 50 bởi diễn biến bệnh ở trẻ rất khác nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì đã suy hô hấp, không tự thở được phải thở máy. BS Hải cho biết thêm, trong đợt này BV Nhi Trung ương còn triển khai cả lọc máu hi vọng cứu được bệnh nhi nhỏ tuổi mắc ho gà nặng.

Trong các ca mắc bệnh BV Nhi tiếp nhận, có những trẻ đã qua tuổi tiêm chủng nhưng không tiêm ngừa vắc xin. Cá biệt có những em nhỏ dưới 2 tháng tuổi mắc ho gà rất nặng, đe dọa tính mạng. “Dù em bé chưa đến tuổi tiêm chủng, trông chờ kháng thể từ mẹ truyền sang con nhưng bản thân người mẹ cũng không có đủ kháng thể nên em bé không có sự bảo vệ chủ động. Tôi cho rằng, ho gà ở trẻ em không phải vấn đề gặp ít hay nhiều mà cứ gặp là nguy hiểm. Bởi dù gặp ít nhưng diễn biến vẫn rất nặng, bệnh nhi có thể tử vong.”, BS Hải nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích. “Trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng (tròn 2 tháng) mắc ho gà có thể do nhiều nguyên nhân, như người mẹ chưa từng được tiêm chủng, chưa từng mắc ho gà sẽ không có kháng thể truyền cho con. Những trường hợp này, khi duy trì được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng cao (tiêm chủng cao) thì sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh khi chưa đến tuổi tiêm chủng. Còn miễn dịch cộng đồng càng thấp, mầm bệnh càng nhiều và có nguy cơ tấn công người chưa có miễn dịch càng lớn, trẻ chưa kịp đến tuổi tiêm chủng đã bị bệnh tấn công”.

Phòng bệnh chủ động

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong năm 2015 Việt Nam ghi nhận 380 trường hợp có triệu chứng lâm sàng mắc bệnh ho gà, trong đó xét nghiệm dương tính là 258 trường hợp. Trong đó 50% bệnh nhi trong độ tuổi từ 2 - 4 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đầy đủ 3 mũi như quy định; 1 số trẻ dưới 2 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm) và một số nhỏ là trẻ 2- 3 tuổi.

Vì thế, BS Hải cho rằng, trẻ em khi sinh ra nhất định cần được tiêm chủng đầy đủ đúng lịch. Nay quai bị, thủy đậu ít gặp ở trẻ nhỏ do được tiêm phòng, nhưng lại gặp ở người lớn vì những người này chưa từng tiêm vắc xin, chưa từng mắc bệnh nên chưa có miễn dịch. Với phụ nữ chuẩn bị mang thai, nên tư vấn để xem xét khả năng tiêm phòng với những bệnh có thể bảo vệ chủ động bằng vắc xin để khi sinh con trẻ được truyền kháng thể từ mẹ, bảo vệ trẻ trong thời gian chờ đến tuổi tiêm chủng.

Không riêng ho gà (có vắc xin 5 trong 1phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib, được tiêm mũi đầu khi trẻ tròn 2 tháng tuổi, tiêm nhắc lại mũi hai khi 3 tháng và mũi thứ ba khi 4 tháng) mà nhiều loại vắc xin phòng bệnh nguy hiểm đã được đưa vào TMCR, như các vắc xin phòng bệnh sởi, viêm não Nhật Bản, bệnh lao.... Vì thế, để phòng bệnh cho trẻ hãy cho con đi tiêm vắc xin để phòng nguy cơ dịch trở lại, trẻ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tính mạng mà đáng lẽ trẻ không mắc nếu được tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch.

Qua 30 năm triển khai Tiêm chủng mở rộng, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, Sởi, Bại liệt, Viêm não Nhật Bản B, Tả, Thương hàn, Rubella và bệnh do vi khuẩn Hib.Nhờ có vắc xin và tỷ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi…. đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình này.

Hồng Hải