Mắc đủ bệnh vì hormone tăng chiều cao

Sử dụng hormone tăng trưởng không đúng, nhất là ở lứa tuổi đã trưởng thành không chỉ gây bệnh to đầu chi mà còn ảnh hưởng nhiều đến quá trình chuyển hóa, gây nguy hiểm đến cơ thể...

Chơi các môn bóng cũng giúp trẻ phát triển chiều cao. Ảnh: Chí Cường
Chơi các môn bóng cũng giúp trẻ phát triển chiều cao. Ảnh: Chí Cường

Cao đâu chẳng thấy...

Chị Nguyễn Thị Cúc (ở Hưng Yên) thấy con gái 10 tuổi của mình thấp bé hơn các bạn cùng lứa nên đã tìm hiểu phương pháp sử dụng hormone tăng trưởng chiều cao với hy vọng con cao lớn hơn. Chị tìm mua loại thực phẩm chức năng có thành phần hormone tăng trưởng. Mỗi lọ thuốc có giá gần 2 triệu đồng uống trong một tháng. Theo lời chị kể, sau một thời gian sử dụng, chiều cao của con gái không thấy tăng, trong khi các khớp ngón tay, chân có dấu hiệu to lên, sờ vào thấy xương lồi ra. Đưa con đi khám, chị mới biết con bị to đầu chi.

Tự ti về chiều cao của mình, anh Nguyễn Văn Bảo (22 tuổi, ở Phú Thọ) cũng muốn cải thiện chiều cao sau khi biết phương pháp tiêm hormone tăng chiều cao. Anh tự ý mua thuốc về nhà và thuê người đến tiêm mà không vào viện. Sau vài lần tiêm thuốc, anh không thấy chiều cao của mình tăng lên mà cơ thể lại có biểu hiện đau nhức các xương khớp, đau đầu…

PGS.TS Hoàng Kiệm – giảng viên Khoa Nội (Học viện Quân y) cho biết, sử dụng hormonne tăng trưởng chiều cao đối với những người đã đủ dinh dưỡng hoặc không nằm trong đối tượng chỉ định thì sẽ gây hại đến cơ thể. Với những người ở lứa tuổi trưởng thành, xương đã bị cốt hóa hoàn toàn, chiều cao khó có thể tăng trưởng vì thế dùng bất kỳ loại hormone tăng trưởng nào cũng khó có tác dụng.

Theo PGS.TS Hoàng Kiệm, hormone tăng trưởng có tên là Growth hormone (GH), còn được gọi là somatotropic hormone (SH), hay somatotropin do thùy trước tuyến yên tiết ra. Hormone tăng trưởng ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ các mô bào trong cơ thể, kích thích tăng trưởng của tế bào (cả tăng về kích thước và kích thích quá trình phân bào) và ảnh hưởng lên toàn bộ quá trình trao đổi chất như tăng cường tổng hợp protein ở tất cả mọi loại tế bào, tăng quá trình phân giải mô mỡ để giải phóng năng lượng, giảm sử dụng glucose, tác động gián tiếp đến mô sụn và xương. Quá trình bài tiết hormone tăng trưởng được cơ thể tự điều hòa phù hợp với giai đoạn phát triển của cơ thể. Nồng độ trung bình của GH trong máu người trưởng thành khoảng 3 millimicrogam /ml và ở trẻ em là 5 millimicrogam/ml.

Thuốc chứa hormone tăng trưởng là chế phẩm tổng hợp bằng công nghệ sinh học tái tổ hợp gen người (hGH=human growth hormon). Mà hGH chỉ được dùng trong một số bệnh, trong đó có làm tăng chiều cao dùng cho trẻ em tuổi đang lớn có chiều cao khiêm tốn do thiếu GH (đã được xác định chắc chắn có nồng độ GH máu thấp bằng xét nghiệm). Nếu tiêm GH đầy đủ cho trẻ có chiều cao khiêm tốn do thiếu hormone GH thì sẽ tăng chiều cao lên được. Với những trẻ này, nếu không bị bệnh tuyến giáp, có chế độ ăn tốt thì sau một thời gian dùng đủ liều (theo chỉ định của thầy thuốc) có cải thiện về chiều cao, nhưng cũng ở mức hạn chế và khá tốn kém. Với trẻ có chiều cao khiêm tốn nhưng không do thiếu GH thì dùng hGH không có hiệu quả.

Khi dùng hGH không đúng chỉ định mà dùng liều cao hoặc kéo dài thì sẽ bị các tác dụng phụ. Dùng hGH ngắn hạn có thể bị giữ nước, phù, sưng ngón tay, hội chứng ống cổ tay, một số trường hợp bị to vú (nam), nhức đầu, ngủ gà, sưng đau khớp, đầy bụng. Dùng hGH lâu dài, nhất là dùng ở người lớn đã hết thời kỳ phát triển, có thể bị chứng to cực (to các đầu chi) kết hợp với một số biến chứng và tử vong, làm tăng tần suất bị đái tháo đường, tim mạch, u ác tính đường tiêu hóa hoặc có thể gây ra khối u giả trong não (pseudotumor cerebri), nhức đầu dữ dội buộc phải ngừng thuốc, nếu không sẽ bị các tổn thương khác. Vì vậy không được tự ý dùng hormone tăng trưởng để tăng chiều cao mà không có chỉ định của bác sĩ.

Một bác sỹ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng nhận định, nếu chỉ uống thuốc mà cao lên được thì rất khó, nhất là trong độ từ 21 tuổi trở lên, khi mà xương đã phát triển hoàn toàn. Người tiêu dùng không nên ảo tưởng dùng hormone tăng trưởng để kích thích chiều cao vì có nhiều tác dụng phụ nguy hại ngoài ý muốn. Việc lạm dụng các loại sản phẩm thuốc và hormone tăng trưởng gây ra rối loạn chuyển hóa, cơ thể chậm phát triển, thậm chí gây các bệnh lý nguy hiểm tăng huyết áp. Nếu có u, bướu ở đâu đó trong cơ thể, GH sẽ kích thích u lớn hơn nhanh.

Những yếu tố quyết định đến chiều cao

PGS.TS Hoàng Kiệm cho rằng, chiều cao mỗi người phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: Nhân chủng, di truyền và điều kiện sống (bao gồm dinh dưỡng và luyện tập). Chiều cao tăng nhiều nhất vào vài năm đầu đời và tuổi dậy thì. Ở giai đoạn dậy thì, sẽ có khoảng thời gian mà chiều cao tăng vọt thêm 10 - 12cm/năm nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt. Sau thời gian dậy thì, chiều cao đã phát triển hết mức thì không thể dùng thuốc, dù đó là hormon tăng trưởng để phát triển thêm chiều cao. Để tăng chiều cao ở người không có bệnh tuyến yên thì tốt nhất có một chế độ dinh dưỡng tốt kết hợp với lối sống lành mạnh, chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao.

Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp – Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, để tăng trưởng tối đa chiều cao phải cần một quá trình chăm sóc lâu dài từ khi trẻ trong bụng mẹ đến lúc hết tuổi dậy thì. Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. Cha mẹ cần đa dạng bữa ăn cho trẻ với các thực phẩm giàu đạm (Thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu…), canxi (sữa, cá, tép, tôm, cua, nghêu, sò, ốc hến…), vitamin (gan các động vật, rau, hoa quả…) và khoáng chất, trong đó đặc biệt là vitamin A, D, C, magiê, sắt… hỗ trợ tối đa cho phát triển chiều cao. Sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn phong phú cung cấp protein, canxi, vitamin vốn kích thích chiều cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ được nuôi dưỡng tốt, không bị suy dinh dưỡng thì chiều cao khi trưởng thành có thể đạt 1,7m, nhưng nếu bị thấp còi thì chỉ cao 1,58m.

Ngoài dinh dưỡng, cha mẹ phải chú ý yếu tố tác động giúp phát triển chiều cao khác là việc vận động cơ thể của trẻ. Quan trọng hơn, trẻ phải được vận động hằng ngày ở ngoài trời; vận động bằng những hoạt động có động tác đè nhẹ lên các đầu xương như chơi các môn bóng, chạy, đi bộ, làm công việc nhà thì trẻ sẽ phát triển chiều cao tốt hơn. Đồng thời, cho trẻ chích ngừa đầy đủ để phòng bệnh. Nếu bị bệnh, trẻ sẽ bị chậm phát triển tầm vóc.

Theo các chuyên gia y tế, hormone tăng trưởng được tiết từ khoảng 10h đêm trở đi. Vì vậy, nếu cho trẻ ngủ muộn sau 10h đêm thì đồng nghĩa với việc các hormone tăng trưởng của trẻ sẽ tiết ra ít hơn, sẽ chậm phát triển chiều cao… Trẻ cần được ngủ đủ giấc và có giấc ngủ ngon cả vào buổi tối, buổi trưa.

Để xác định trẻ có bị thiếu GH hay không cần phải đo chiều cao. Trẻ bị thiếu khi có chiều cao thấp hơn các bạn đồng lứa, đồng giới từ 2- 3 độ lệch chuẩn. Tiếp đó, phải đo tuổi xương. Thường những trẻ này có tuổi xương kém hơn tuổi xương thực. Ngoài ra, phải đo nồng độ GH trong máu, đo yếu tố azziac 1 trong máu.

Theo Phương Thuận

Báo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm