1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mắc bệnh ung thư vì ... chất đốt giá rẻ

Một số gia đình nghèo sử dụng vải vụn để đun nấu. Trong vải vụn có đủ thứ bông, vải, sợi, nilon, da, giả da... Tuy giá nhiên liệu rẻ nhưng sức khoẻ người dân thì đang bị đe dọa nghiêm trọng từng ngày.

Chất đốt giá rẻ 

 

Ở khu dân cư ấp Tân Hòa, xã Đông Hòa, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương có nhiều hộ dân chăn nuôi, trồng rau. Tới trước cổng nhà nào cũng dễ gặp những bao tải vụn to đùng, chất đống, vải vương vãi đầy ngõ xóm như một bãi rác. Đó là nguồn chất đốt của cư dân xóm này. Gần 11 giờ trưa, khói bếp nhà nào cũng nghi ngút khói xanh lè, khét lẹt, khó thở. 

 

Chỉ vào những thùng phi cám heo đang sôi sục, bà Huê, ấp Tân Hòa cho biết: Mỗi ngày tôi nấu cám heo mấy thùng phi, giá chất đốt quá cao không có tiền mua. Vải, nhựa, da vụn này mua từ mấy công ty may đồ như ba lô, túi xách, quần áo, giầy, dép... đổ cả đống cao như núi. Một xe tải khoảng 3 tấn vải năm trước giá 150.000đ/xe, giờ tăng lên 300.000đ/xe. Có tháng nhà nhà tôi đốt hết 2 - 3 xe. Vải vụn nhà máy mang đi hủy còn tốn tiền xử lý để bảo vệ môi trường còn bán cho mình lại còn có chút tiền cà phê. Mùi khói khó chịu, nhưng nhà nào cũng vậy, riết rồi cũng quen!”, bà Huê hồn nhiên nói.

 

Hộ nhà bà Thương ở bên cạnh cũng dùng vải vụn đun nấu, nhưng chủ yếu là nấu thức ăn chăn nuôi còn nấu cơm thì vẫn dùng gas. “Khu chế biến thức ăn chăn nuôi nằm xa khu nhà ở nên khói thải có lẽ không ảnh hưởng mấy tới sức khoẻ người trong gia đình!”, bà Thương cho biết.

 

Ngoài ra, dọc Quốc Lộ 22, khu dân cư và khu công nghiệp tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TPHCM), tình trạng dùng các phế liệu vải, da, nhựa vụn để đốt lò nấu muối tinh cũng khá phổ biến.

 

Khí độc từ đun nấu bằng vải vụn thải ra môi trường.

Khí độc từ đun nấu bằng vải vụn thải ra môi trường. 

 

Đầu độc từ từ

 

TS Phạm Tiến Dũng, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ Lao động TPHCM cho biết: Trong vải tổng hợp có các sợi polyester, khi đốt không cháy hết sẽ tạo thành khí carbon nặng tích tụ vào môi trường, trong đó có các thành phần gây ra những căn bệnh nguy hiểm cho con người tùy vào mức độ hít vào cơ thể.

 

Trước đây tại quận 9 (TPHCM), chủ các lò gạch cũng dùng các vật liệu này để đốt lò. Khí thải này là chất độc hại cho sức khoẻ, đặc biệt khó phân hủy trong môi trường, liệt kê nó vào loại khí nhà kính rất mạnh, gây ra hiệu ứng khói mù quang hóa do dioxit cacbon là sự tích tụ của dioxitcacbon nặng không phân hủy được trên bầu khí quyển. Người dân sử dụng vải da vụn làm chất đốt là đang đầu độc mình từ từ...

 

Một chuyên gia môi trường cho rằng, người đem các loại rác này bán mà không tiêu hủy là vi phạm pháp luật. Người sử dụng loại phế thải độc hại này làm nhiên liệu đốt là vô tình tiếp tay cho vi phạm. Họ nghĩ đơn giản là tiết kiệm được nhiên liệu đun nấu, nhưng họ đang “chung  tay” phá hủy môi trường sống, đầu độc không khí cả khu dân cư. Đây là rác thải nguy hại phải xử lý chuyên biệt chứ không được thải, đốt bừa bãi.

 

Theo TS Đặng Chí Hiền, Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Hóa Dược phẩm, Viện Công nghệ hóa học, khói do đốt các loại phế thải như vải sợi tổng hợp, len dạ, thuộc da, nhựa vụn này cực kỳ nguy hiểm vì có chứa nhiều lưu huỳnh, Nox, sulfur dioxide (SO2), hydrocarbon, ammonia và nhiều hợp chất cực kỳ độc hại. Phải đốt trong lò chuyên dụng ở 1.000 độ C mới đảm bảo an toàn tuyệt đối, còn đốt âm ỉ sẽ sinh ra vô số chất độc hại trong đó có dioxin. Theo tính toán, nếu cho khói thải từ những nhiên liệu này vào trong phòng kín thì người trong phòng sẽ tử vong trong chốc lát. Còn ở đây do người đun nấu trong không gian rộng, khí  bị pha loãng nên chỉ có cảm giác ngạt, khó thở và ảnh hưởng từ từ. 

 

Các chuyên gia y tế cảnh báo, khi hít phải những khí độc sinh ra từ khói sợi vải da, nhựa... nguy cơ bị bệnh viêm nhiễm đường hô hấp luôn thường trực, nhẹ thì cũng bị viêm đường hô hấp mũi họng, viêm phổi. Hít nhiều khí này theo thời gian tích tụ lại trong cơ thể, làm biến đổi cấu trúc tế bào gây ung thư.

 

Theo Hương Nguyên

Kiến thức