1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mắc bệnh thấy con là... đòi giết

Gia đình phải cách ly hai mẹ con bởi nhiều lần phát hiện chị có ý định ném đứa con mới chào đời xuống đất. Một ngày cả nhà bỗng nghe tiếng trẻ khóc thét. Bố và bà nội chạy vào, kinh hãi thấy cháu bé đang bị mẹ xốc nách, đập mạnh…đầu vào tường.

  

Mắc bệnh thấy con là... đòi giết  - 1


Giết chết là... giải thoát cho con

 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Tâm thần TP.HCM (nguyên Phó khoa Nữ, Bệnh viện Tâm thần, cơ sở Chợ Quán, Q.5) vẫn còn chưa hết bàng hoàng kể lại sự việc..

 

Người mẹ còn rất trẻ, tên là Nguyễn T. N., 23 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn. Theo lời kể của gia đình, sau khi sinh nở, chị bỗng nhiên lầm lì, ít nói, bỏ ăn và thờ ơ với con. Đặc biệt, N. rất ghét, tới mức tìm mọi cách…giết chết sinh linh bé nhỏ do chính mình rứt ruột đẻ ra.

 

Nhập viện Tâm thần điều trị, N. chẳng nói chẳng rằng mà chỉ khóc. Sau một tháng chạy chữa, bỗng một hôm, N. nói với bác sĩ là mình thấy…nhớ con.

 

Em bé được đưa đến gặp mẹ nhưng vẫn không cho tiếp xúc trực tiếp mà cách nhau một lớp cửa kính. Thấy con, N. gào thét, lao sầm vào cửa, lồng lộn lên như một con thú hoang.

 

Sau phút giây trấn tĩnh lại, cô đã òa khóc, tâm sự với bác sĩ Quang về nỗi lòng của mình: “Bác sĩ ơi, hổ dữ còn không ăn thịt con, thực tâm em nào đâu muốn làm thế. Em buồn lắm, gia đình nghèo khó, từ lúc sinh con ra chồng lại hay bỏ đi nhậu nhẹt. Tự nhiên em thấy đứa con chính là gánh nặng làm khổ đời mình. Sống với em nó cũng chẳng sung sướng gì. Thỉnh thoảng em nghe trong tai có tiếng ai đó xui mình hãy giết chết con đi để giải thoát cho nó, chứ để nó sống khổ sở còn tội nghiệp hơn”.

 

Mới đây, bác sĩ Quang cũng được mời sang Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ để cùng hội chẩn cho một sản phụ có ý định giết con, người Ấn Độ, 27 tuổi, cư trú tại Q.1.

 

Người phụ nữ này mới trải qua sinh nở được 2 tuần. Bà ta phải nhập viện vì có hành vi la hét, khóc lóc, đòi bóp cổ con.

 

Qua điều tra bệnh sử, bác sĩ Quang biết được, cách đây gần 5 năm, sau khi sinh đứa con đầu lòng, sản phụ cũng lầm lì, bỏ ăn nhưng chỉ thoáng qua, chưa đến nỗi nghiêm trọng.

 

Dù các bác sĩ hết lòng điều trị, nhưng người phụ nữ Ấn Độ không thoát khỏi những cơn hoảng loạn, người xanh xao, héo quắt do không chịu ăn, ngủ. Cuối cùng, chồng bà ta đã phải đưa vợ về nước để tiện bề chạy chữa.

 

Trước đây, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang đã từng điều trị cho một phụ nữ tên Phí Thị Đ., sinh năm 1979, ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp, Q.12.

 

Sinh đứa con đầu lòng được 40 ngày, chị này tự nhiên ít nói, đôi lúc hỏi chồng còn yêu mình không và rất sợ bị chồng bỏ rơi (?)

 

Đ. hững hờ chẳng thèm nhìn đến con, dứt khoát không chịu cho con bú, dù con bé khát sữa, khóc cạn cả nước mắt.

 

"Ác mẫu" hay những bệnh nhân đáng thương (?)

 

Mọi người thường đánh giá những phụ nữ kể trên là ác mẫu, dã man, "thú đội lốt người", bởi đến con vật khi đẻ con ra còn biết thương xót, huống chi con người. Thế nhưng ít ai biết rằng, họ đã bị mắc một chứng bệnh mà y khoa gọi là rối loạn tâm thần sau sinh.

 

Theo thống kê, có tới 70% phụ nữ sau khi sanh nở bị chứng trầm cảm (một con số ấn tượng ít ai ngờ đến). Tuy nhiên, nhiều người vượt qua được, chỉ có biểu hiện buồn thoáng qua. Ngược lại, một bộ phận phụ nữ bị trầm trọng, lo lắng, buồn rầu, hay cáu gắt, có hành vi kỳ quặc với con.

 

Bệnh lý này hay xuất hiện ở phụ nữ trong thời gian mang thai và sau khi sinh (do cơ thể, trạng thái tâm thần, sinh lý có nhiều thay đổi).

 

Thường trong vòng 2 tuần đầu sau khi sinh, phụ nữ bị bệnh trầm cảm nặng có thể bị rối loạn hành vi, mất định hướng về không gian và thời gian. Họ hay buồn rầu, lo lắng quá mức, không có khả năng chăm sóc con cái.

 

Khi mắc bệnh này, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mẹ có nguy cơ giết chết con hoặc tự tử rất cao.

 

Đối với những trường hợp có tiền sử trầm cảm sau sinh thì 50% nguy cơ bị tái phát bệnh ở lần sinh kế tiếp.

 

 Theo Vietnamnet