1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mắc bệnh gan thập tử nhất sinh vẫn “ôm chai rượu”

(Dân trí) - Da vàng bủng, bụng chướng lớn, giọng nói đã thều thào nhưng không có “tí men” vào người, chân tay ông H lại run lên bần bật. Dù nằm trên giường bệnh, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn cố sống cố chết “ôm chai rượu” khiến bác sĩ cũng phải “bó tay”.

Chuyện thật tưởng như đùa ấy được BS Lý Văn Chương, Trưởng khoa nhiễm C, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới chia sẻ với Dân trí. Theo BS Chương, Việt Nam không thuộc vùng dịch tễ nhưng có đến hơn 15% dân số mắc bệnh viêm gan B và C. Thực trạng trên là do những hạn chế về y tế và người dân không chủ động tầm soát bệnh của bản thân.

Vàng mắt, vàng da, chướng bụng là một trong những biểu hiện của bênh xơ gan, ung thư gan
Vàng mắt, vàng da, chướng bụng là biểu hiện của bênh xơ gan, ung thư gan

Nhưng một trong những nguyên nhân khiến bệnh gan của người dân, đặc biệt là người nghèo trở nên trầm kha hơn có xuất phát từ việc sử dụng rượu bia quá chén hoặc uống phải “rượu độc”. Vì mục đích lợi nhuận loại rượu “không khói” pha chế bằng cồn công nghiệp đang khá phổ biến trên thị trường với mức giá chỉ vài nghìn đồng cả lít. Đối tượng sử dụng loại rượu này là những người có thu nhập thấp. “Việc dung nạp rượu thường xuyên khiến gan luôn trong tình trạng quá tải do phải hoạt động liên tục để loại bỏ chất độc. Mặt khác, nồng độ cồn quá cao sẽ dẫn tới men gan bị tiêu hủy nhanh. Với người mắc bệnh gan nhưng vẫn sử dụng rượu thì bệnh sẽ diễn tiến nhanh, dẫn tới xơ gan, ung thư.

Biết nguy hiểm là thế nhưng bác sĩ chỉ có thể đưa ra khuyến cáo chứ không có quyền cấm bệnh nhân nên người bệnh uống rượu hoặc công khai hoặc lén lút là chuyện thường ngày vẫn diễn ra. Nhập viện điều trị trong tình trạng vàng mắt vàng da, bụng chướng lớn bác sĩ chẩn đoán bệnh đã chuyển sang giai đoạn xơ gan nhưng ông C.Q.H. (41 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) vẫn không quên được rượu.

Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, ông H. làm nghề phụ hồ nên mỗi ngày đi làm đều mang theo vài xị rượu để “tăng lực”. Tuy nhiên, thu nhập thấp lại bấp bênh nên ông chỉ có thể chọn cho mình loại rượu “nặng đô” nhưng giá rẻ. Sau một thời gian dài lấy rượu thay nước, hơn 1 tháng trước ông H. bất ngờ bị sốt cao, vàng mắt, vàng da nên đến bệnh viện kiểm tra bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm gan C đã chuyển sang giai đoạn xơ gan. Nằm trên giường bệnh nhưng ông H. vẫn yêu cầu vợ mua rượu đều đều, bất chấp khuyến cáo của bác sĩ. Vợ ông phần vì bị chồng dọa bỏ điều trị phần vì sợ bị thượng cẳng chân hạ cẳng tay nên vẫn phải len lút tiếp tế rượu cho chồng.

Rượu góp phần làm các bệnh viêm gan phát triển nhanh và mạnh
Rượu góp phần làm các bệnh viêm gan phát triển nhanh và mạnh

Không chỉ nam giới bị đầu độc bởi rượu không khói mà ngay cả nữ giới cũng trở thành nạn nhân. Bà V.T.K. (62 tuổi, ngụ tại Long An) một thời từng là “đàn chị” trong các cuộc nhậu của các bà các mẹ, đám mày râu ngồi với bà nhiều khi còn phải kiêng nể. Nhưng bất ngờ bà đổ bệnh, bác sĩ kết luận bà bị viêm gan B đã tiến sang giai đoạn xơ gan, bất đắc dĩ phải nằm viện điều trị và buộc phải “cai rượu” khiến bà cảm thấy bứt rứt và thòm thèm mỗi khi nghĩ đến những cuộc nhậu lên bờ xuống ruộng.

BS Chương cho biết: “Bệnh nhân viêm gan tuyệt đối không sử dụng rượu bia vì nồng độ cồn cao khiến gan bị hủy hoại nhanh hơn gây nhiều khó khăn cho việc chữa trị. Trong khi ddos, bệnh viêm gan thường có diễn tiến âm thầm nên người bệnh rất khó nhận biết ra các dấu hiệu của bệnh. Với bệnh viêm gan B. thông thường 90% có thể tự khỏi, 10% còn lại nếu không được phát hiện chữa trị kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn viêm gan mãn tính. Ngược lại ở bệnh viêm gan C chỉ có 10% tự khỏi được còn 90% còn lại sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính".

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm