1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mắc AIDS vì làm răng

Bên cạnh hàng loạt phòng khám nha khoa hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều ở TPHCM, thì cũng còn không ít những phòng khám tư nhân nhếch nhác, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Đây là nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ lây bệnh nguy hiểm, từ viêm gan cho đến AIDS!

Tuần qua, một bác sĩ sản khoa của Bệnh viện Hùng Vương kể cho một câu chuyện thương tâm: Chị T.O., 28 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM, đang suy sụp tinh thần trầm trọng khi biết mình bị nhiễm HIV. Điều đáng lưu ý là vợ chồng chị có một cuộc sống lành mạnh và chồng chị, một sĩ quan quân đội, không bị nhiễm. Qua phân tích của bác sĩ chuyên môn, chị nghĩ rằng có lẽ mình bị nhiễm trong một lần làm răng nào đó.

Theo lời giới thiệu của người quen, tìm đến phòng nha tư nhân Q. nằm gần chợ Bình Triệu. Tiếp khách là một người đàn ông ngoài 40 tuổi, trong trang phục quần tây, áo sơ mi kẻ sọc xanh. Ông tự giới thiệu mình là nha sĩ của một bệnh viện ở quận 9, chỉ làm việc ở nhà sau 14 giờ.

Khách hàng cho biết răng cấm của mình bị đau nhưng không muốn nhổ mà chỉ muốn trám. Gật đầu đồng ý, ông bảo nằm lên chiếc ghế xoay đã ố màu bắt đầu khám. Lấy bộ dụng cụ nha để trong hộc tủ gỗ ra, ông cho tất cả vào chiếc thau nhôm rồi đổ một ít nước sôi ở bình thủy vào.

Thấy khách nhìn chăm chú, ông khoe: “Ở đây rửa dụng cụ bằng nước sôi cho nó sạch vi trùng”. Trước lúc khám, ông lấy một chiếc ly bằng mica đặt bên cạnh ghế và dặn khách dùng ly này súc miệng. Sau khi dùng chiếc đèn pin tiểu rọi qua rọi lại trong miệng, ông phán: “Răng em bị hư nặng lắm, phải làm liên tục một tuần mới xong”. Ông cho biết, giá trám răng ở đây là 120.000 đồng/cái, bắt đầu làm thì thanh toán trước 50%, phần còn lại sẽ trả vào buổi cuối. Lấy lý do không mang đủ tiền, khách hẹn ông hôm sau sẽ quay lại làm.

Nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, TPHCM (góc ngã tư Lê Quang Định - Bùi Hữu Nghĩa), nhìn từ bên ngoài phòng răng N. X. có mặt tiền chưa đầy... 1 mét. Diện tích bên trong thì không quá 3 m2 chỉ đủ chỗ cho một chiếc ghế nằm, một chiếc ghế ngồi và chiếc tủ kính nhỏ đựng dụng cụ.

Thấy khách tỏ ý không hài lòng với không gian chật hẹp, người đàn ông chống chế: “Chỗ nhỏ nhưng chất lượng tốt. Ở đây làm giá đã rẻ mà còn bảo hành nữa. Em làm đi, anh lấy 120.000 đồng/cái thôi, bảo hành 6 tháng”. Nhìn trên bàn, thấy mấy chiếc mũi khoan màu vàng gỉ sét nằm nghiêng ngả trong một hộp inox đã xuống màu, bên cạnh là túi bông gòn và một chai nước màu xanh nhạt. Cũng như tại phòng khám Q., viện lý do không đủ tiền, hẹn chiều trở lại mới có thể ra khỏi phòng răng.

Để biện minh cho việc “đơn giản hóa” việc tiệt trùng dụng cụ chữa răng, chủ nhân một phòng nha tại quận 8 cho rằng giá thiết bị nha khoa hầu hết rất đắt, chưa kể một số dụng cụ, nhất là các cây lấy tủy, có hình dáng rất mảnh và dễ gãy. Chính vì vậy, nếu hấp tiệt trùng đúng bài bản thì không có đủ thiết bị, còn ngâm hóa chất nhiều lần, sợ bào mòn dụng cụ. Tuy nhiên, vị nha sĩ này cũng trấn an rằng, để chữa cho bệnh nhân đến sau dù bận thế nào ông cũng phải lau dụng cụ sau khi chăm sóc cho bệnh nhân trước.

Trong khi đó, theo ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Tùng Phát (quận 4, TPHCM), chuyên mua bán dụng cụ y tế, hiện nay mắc nhất trong nha khoa là ghế chữa răng (trên 4.000 USD) và rẻ nhất là các loại tay khoan hiệu của Nhật. Các loại túi hấp để tiệt trùng cũng khá rẻ, chứ không mắc như nhiều người nhận xét, chỉ khoảng 150.000 đồng/túi.

Theo Người Lao Động