Lý giải và xử trí hiện tượng chảy máu cam

(Dân trí) - Bạn đang lo lắng vì sao bé yêu của bạn mấy ngày nay cứ bị chảy máu cam khi đang vui đùa. Bạn đã biết nhiều về hiện tượng này chưa? Hãy tham khảo những thông tin dưới đây nhé!

Nguyên nhân gây ra chảy máu cam

 

Hiện tượng chảy máu cam xảy ra khi một trong những tĩnh mạch nhỏ ở mũi bị vỡ. Đôi khi không phải vì lý do gì đó quá nghiêm trọng, mà đơn giản chỉ vì con bạn chẳng may vô tình chọc vào mũi, hỉ mũi quá mạnh, nhét vật gì vào mũi hoặc bị vật gì va vào khi đang chơi. Hoặc là do ăn nhiều thứ nóng quá.

 

Xử lí thế nào?

 

Đây cũng có thể coi là hiện tượng chấn thương nhẹ ở trẻ nhỏ. Mỗi lần chảy máu cam, trẻ thường sợ hãi và có vẻ nghiêm trọng vì thấy máu chảy ra. Vì vậy cha mẹ cần phải biết cách trấn an trẻ. Có thể âu yếm, ôm ấp cho trẻ đỡ sợ, rồi vỗ về: “Mẹ đây, con yêu, không có gì phải sợ…”

 

- Khi trẻ ngồi xuống, lấy ngón tay, khăn tay, bông gòn để bịt lỗ mũi ngăn không cho máu chảy ra.

 

- Lấy ngón tay cái và ngón tay trỏ kẹp vào mũi.

 

- Giữ mũi của trẻ trong vòng 10 phút, nhớ để ý thời gian chính xác, đừng giữ lâu quá.

 

- Nếu như trẻ đã lớn đủ hiểu, có thể dạy trẻ cách giữ mũi của mình mỗi khi chảy máy cam

 

- Nếu không biết cách, có thể đến nhờ sự tư vấn của bác sĩ

 

- Nên đánh lạc hướng trẻ, giúp trẻ quên đi nỗi sợ bằng cách kể một câu chuyện, hoặc xem tivi trong lúc chờ cầm máu.

 

- Một vài giờ sau khi máu ngừng chảy, giữ cho trẻ không tiếp xúc các đồ vật cứng, các trò chơi mạnh để không bị chảy lại.

 

- Nếu như sau đó máu lại chảy, làm các thao tác như trên lần nữa.

 

- Nếu máu không ngừng chảy, hãy đưa bé ngay đến trạm y tế.

 

Tại sao giữ mũi lại có tác dụng?

 

Giữ mũi cũng là đang trực tiếp giữ mạch máu, ngăn cho máu không chảy. Từ đó máu sẽ đông lại hoặc đóng thành vảy.

 

Tại sao trẻ nên ngồi khi bị chảy máu cam?

 

Khi ngồi máu sẽ được cầm nhanh hơn là khi trẻ nằm. Trước đây từng có quan niệm rằng khi bị chảy máu cam nên nằm, nhưng thực tế nó làm cho huyết áp trong đầu tăng lên.

 

Khi huyết áp tăng, máu lại càng chuyển nhiều xuống tĩnh mạch, và mũi càng chảy nhiều máu hơn, khó cầm lại hơn. Hơn nữa, nếu như nằm, máu sẽ chảy xuống cổ họng. Khi  nuốt nhiều máu, sẽ khiến trẻ bị nôn mửa.

 

Tại sao một số trẻ lại hay bị chảy máu cam nhiều hơn trẻ khác?

 

Một số trẻ có các tĩnh mạch gần với màng nhầy của mũi hơn những đứa khác. Bởi vì các tĩnh mạch rất gần với da, nên khi trẻ thọc, đấm, va chạm mạnh vào mũi, rất dễ bị chảy máu cam. Một số khác thì nghịch hơn, hay va chạm mạnh vào mũi nhiều hơn cũng hay bị chảy máu cam.

 

Hãy thường xuyên cắt móng tay cho trẻ. Thỉnh thoảng nhỏ một ít thuốc nhỏ mũi cho trẻ, làm cho các vảy trong mũi mềm ra, mũi không bị khô. Nếu như trẻ cứ liên tục chảy máu cam, nên đến bác sĩ để kiểm tra chính xác nguyên nhân.

 

Có nên tự động lấy vật lạ trong mũi của trẻ ra?

 

Trẻ con rất hiếu động, nghịch ngợm, những điều chúng làm đôi khi vô thức. Việc nhét một vật gì đó vào mũi là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong những trường hợp này, bạn hãy thật bình tĩnh, đưa trẻ đến ngay trạm y tế gần nhất. Đừng manh động, tự ý làm nếu không có thể tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn đấy!

 

Chảy máu cam có nguy hiểm không?

 

Hiện tượng chảy máu cũng không phải thực sự quá nguy hiểm, vì đôi khi cũng chỉ vì do trẻ nghịch quá. Tuy nhiên, bạn cũng đừng chủ quan. Hãy đến khám bác sĩ ngay trong các trường hợp:

 

- Trẻ có nguy cơ bị vỡ mũi do va đập quá mạnh.

 

- Nếu như máu mãi không cầm được.

 

- Nếu như trẻ thường xuyên bị chảy máu cam mà hơn 15 phút sau mới cầm được.

 

- Nếu như trẻ khó thở.

 

- Nếu như trẻ còn bị chảy máu ở chỗ khác nữa, chẳng hạn như chảy máu tai, lợi

 

Ngọc Bích

Theo Netdoctor

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ