Lưu ý phòng bệnh viêm mũi, viêm xoang khi trời trở lạnh

Bệnh viêm mũi, viêm xoang “kỵ” nhất là thời tiết lúc giao mùa, mưa nắng, nóng lạnh thay đổi thất thường. Nếu không lưu ý phòng bệnh, thì đây cũng là thời điểm dễ mắc bệnh hoặc dễ tái phát nhất nếu người bệnh đã có tiền sử mắc phải bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang.

Trời trở là trở theo trời

Tại Việt Nam, tỉ lệ viêm mũi, viêm xoang đang ngày càng gia tăng và ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng. Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, mỗi ngày có 700 - 800 bệnh nhân tới khám, gần 50% số đó là các trường hợp bị viêm mũi, xoang. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, thời tiết thất thường lúc giao mùa là thời điểm tỉ lệ người bị viêm mũi, viêm xoang tăng vọt.

Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng, nóng lạnh thất thường, nhiệt độ không khí chênh lệch giữa đêm và ngày quá cao hoặc thay đổi đột ngột, thời tiết ẩm thấp hoặc quá lạnh sẽ khiến cơ thể không kịp thích nghi, dễ dẫn đến cảm lạnh và viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm mũi.

Viêm mũi, viêm xoang làm ảnh hướng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.
Viêm mũi, viêm xoang làm ảnh hướng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.

Khi mới chớm bị viêm mũi, xoang, người bệnh sẽ cảm thấy những cơn đau lan tỏa quanh vùng mặt, đặc biệt là đau phía dưới ổ mắt, gây nhức đầu và sốt nhẹ, tuy nhiên cũng có những trường hợp sốt cao, nhất là ở trẻ em. Các triệu chứng thường thấy là nghẹt mũi, chảy mũi, đau nhức mũi. Những cơn đau có tính chu kỳ, thường đau nhiều về sáng do chất dịch nhày ở xoang mũi bị ứ đọng xuất tiết, dẫn đến tình trạng ngạt mũi, tắc mũi. Tùy theo tình hình của bệnh nặng hay nhẹ mà bệnh nhân sẽ tắc một hoặc cả hai bên mũi, càng về đêm càng ngạt nhiều. Nước mũi chảy ra thường đặc, vàng xanh, có thể có lẫn máu.

Thời tiết lúc giao mùa cũng là “khắc tinh” đối với những người đã có tiền sử bị bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Nếu không điều trị dứt điểm và không cẩn thận phòng ngừa, bệnh sẽ rất dễ tái phát và trở nên nặng hơn.

Phòng ngừa và điều trị đúng cách

Bệnh đường hô hấp, nhất là viêm mũi, xoang diễn biến khó lường, nhất là thời điểm giao mùa. Việc điều trị không đúng cách sẽ khiến bệnh nặng hơn và kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.

Khi có dấu hiệu của bệnh viêm mũi, xoang, người bệnh nên đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bị viêm xoang và viêm xoang tái phát cần thiết điều trị theo đơn của bác sỹ, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Vì nếu làm như vậy sẽ lợi bất cập hại, nghĩa là bệnh không khỏi mà có khi còn tăng lên hoặc gây tai biến rất nguy hiểm. Theo các chuyên gia Tai Mũi Họng, việc điều trị cần kịp thời và đúng cách. Cả Tây y và Đông y đều điều trị bệnh trên nền tảng giải phóng các yếu tố gây viêm mũi, viêm xoang ra bên ngoài. Muốn điều trị viêm mũi, xoang hiệu quả và triệt để cần có sự kết hợp giữa Đông và Tây y đúng với từng giai đoạn bệnh khác nhau. Theo đó:

- Người bệnh viêm mũi, xoang ở giai đoạn cấp tính (đau nhức dữ dội, chảy dịch màu xanh vàng hôi tanh, sốt) có thể sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm kết hợp với thuốc thảo dược từ 3 - 5 ngày. Việc sử dụng song song Đông – Tây y giúp nâng cao hiệu quả hiệp đồng điều trị của thuốc, giảm số liều dùng và hạn chế các tác dụng phụ của thuốc Tây. Sau đó, bệnh nhân nên tiếp tục sử dụng thuốc thảo dược từ 7 - 10 ngày để điều trị triệt để, tránh nguy cơ chuyển sang mạn tính.

- Đối với người bị viêm mũi, xoang mạn tính, khi bệnh tái phát cần điều trị thuốc thảo dược 1 đến 2 tháng trước khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng. Những người có cơ địa sức đề kháng yếu hoặc dị ứng cũng cần dùng một đợt thuốc thảo dược 2 đến 4 tuần để điều trị từ gốc ở giai đoạn mạn tính.

Để giữ sức khỏe và phòng ngừa bệnh viêm mũi, xoang khi thời tiết diễn biến thất thường, khi đi ra ngoài đường cần sử dụng khẩu trang để giữ ấm vùng mũi, hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi khuẩn; tắm nhanh bằng nước đủ ấm trong buồng kín gió; thường xuyên vệ sinh họng, súc họng nước muối sinh lý. Giữ họng và miệng không bị viêm sẽ hạn chế việc bị viêm xoang cũng như bệnh viêm xoang tái phát, bởi hệ thống xoang và các bộ phận đường hô hấp trên liên thông với nhau... Người bệnh nên uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh. Nước giúp làm loãng niêm dịch nên sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh sự ứ đọng bụi bẩn và vi khuẩn. Trái cây và rau xanh cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống ôxy hóa và vitamin, giúp hệ miễn dịch của cơ thể mạnh hơn trong phòng chống nhiễm trùng.

Lưu ý phòng bệnh viêm mũi, viêm xoang khi trời trở lạnh - 2