1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Lưu ý khi con trẻ bị tiêu chảy cấp

(Dân trí) - Những sai lầm phổ biến và vô cùng nguy hiểm của các bà mẹ khi có con bị tiêu chảy như: cho uống ngay thuốc kháng sinh, thuốc cầm ỉa, kiêng khem không cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng... có thể làm tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn, thậm chí khiến trẻ bị tử vong.

1. Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh

 

Khi trẻ bị tiêu chảy, thường các bà mẹ tự cho con uống thuốc kháng sinh, loại thuốc hay dùng là Clorocid và Biseptol. Đây là một việc làm hết sức nguy hiểm, trẻ rất dễ có nguy cơ rối loạn vi khuẩn đường tiêu hoá, làm cho bệnh càng trở nên nặng hơn, hoặc gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, chưa kể các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

 

Đa số nguyên nhân tiêu chảy do virus, hoặc do hoá chất hay còn gọi là nhiễm độc thức ăn, thường khỏi sau vài ngày điều trị, chủ yếu bù nước và điện giải mà không cần phải sử dụng kháng sinh.

 

Một số trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn, amip, nấm, điều trị bù nước và điện giải kết hợp sử dụng kháng sinh nhưng phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa.

 

2. Không sử dụng các biện pháp cầm ỉa

 

Các bà mẹ hay tự cho con uống thuốc cầm ỉa hoặc ăn các lá và qủa chát có nhiều chất Tanin như lá nhọ nồi, lá ổi xanh, quả ổi xanh, quả hồng xiêm xanh... ngay lập tức sẽ có tác dụng cầm ỉa. Nhưng bệnh chỉ đỡ giả tạo, các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, hoá chất... thải hồi rất chậm, làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn.

 

3. Pha Oresol đúng qui định

 

Nguyên nhân tử vong ở trẻ tiêu chảy cấp chủ yếu do mất nước và điện giải. Oresol pha vào nước theo đúng qui định khi cho trẻ uống sẽ có tác dụng bồi phục nước và điện giải đã mất. Nhưng nếu pha không đúng qui định sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn, trẻ có thể tử vong.

 

Sai lầm khi pha Oresol là: Không pha hết cả gói, thể tích nước không được đo chính xác theo qui định.

 

Chú ý khi pha Oresol: Phải pha cả gói, thể tích nước phải đong thật chính xác đến từng ml theo qui định ghi ở ngoài gói.

 

4. Cho trẻ uống Oresol đúng cách

 

Khi cho trẻ uống Oresol quá nhiều hoặc quá ít, uống dồn dập... tình trạng tiêu chảy của trẻ sẽ càng nặng hơn. Tuỳ từng độ tuổi, từng mức độ tiêu chảy, từng mức độ mất nước mà thầy thuốc có những hướng dẫn cách cho trẻ uống Oresol khác nhau, các bà mẹ phải tuân thủ đúng hướng dẫn ấy.

 

5. Cho trẻ ăn uống bình thường, không kiêng khem

 

Rất nhiều các bà mẹ quan niệm sai lầm rằng, trẻ bị tiêu chảy thì phải hạn chế thậm chí nhịn ăn, kiêng thịt, cá, chất tanh, đường, sữa... làm trẻ không đủ sức chống đỡ lại bệnh tật nên tiêu chảy càng kéo dài, nguy cơ bị suy dinh dưỡng rất cao.

 

Phải đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, không nhịn ăn, không kiêng khem, cho bú bình thường, ăn các thức ăn dễ tiêu hoá và ăn nhiều bữa hơn.

 

6. Đưa trẻ đi khám ngay khi bị tiêu chảy

 

Khi trẻ xuất hiện đi ngoài phân lỏng hoặc téo nước trên 3 lần trong vòng 24 giờ thì phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để bác sĩ khám và tư vấn cách điều trị.

 

BS Trần Văn Phúc

(Bệnh viện Xanh Pôn)