1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lưỡi bị ung thư sau khi cắt được bác sĩ tái tạo như thế nào?

(Dân trí) - Cắt lưỡi là giải pháp quan trọng để tiến tới mục đích điều trị triệt căn ung thư. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống, hiện nay phương pháp tái tạo lưỡi sau phẫu trị đang giúp người bệnh có cuộc sống gần như bình thường.

Ung thư lưỡi là bệnh lý ác tính thường gặp vùng khoang miệng. Bệnh phát sinh từ sự biến đổi ác tính biểu mô phủ lưỡi hoặc các mô liên kết cấu trúc lưỡi. Theo Hội Ung thư học Hoa Kỳ, khoảng 25-30% các trường hợp ung thư khoang miệng xuất phát ở lưỡi. Ung thư lưỡi thường xảy ra đối với bệnh nhân hút thuốc, uống rượu, vệ sinh răng miệng kém.

Lưỡi bị ung thư sau khi cắt được bác sĩ tái tạo như thế nào? - 1

Những trường hợp vùng lưỡi bị cắt chiếm dưới 1/3 bệnh nhân sẽ được làm lành sẹo và may khép

Biểu hiện của ung thư lưỡi là tình trạng xuất hiện vết loét hoặc sùi không đau, thường nằm ở vị trí vùng cạnh lưỡi. Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM ghi nhận hiện tượng bệnh nhân ung thư lưỡi đang có xu hướng trẻ hóa. Trong đó, nhiều ca bệnh ở độ tuổi từ 19 đến 26 đã phải nhập viện điều trị vì ung thư lưỡi.

Một trong những biện pháp điều trị ung thư lưỡi phổ biến hiện nay là phẫu thuật với mục đích điều trị triệt căn tế bào ung thư. Những bệnh nhân bị ung thư lưỡi cần phải phẫu thuật rộng để lấy hết tổ chức ung thư. Việc phẫu thuật cắt đi một phần lưỡi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh như tính thẩm mỹ, chức năng nhai, nuốt, nói, làm sạch khoang miệng... sẽ bị hạn chế.

Lưỡi bị ung thư sau khi cắt được bác sĩ tái tạo như thế nào? - 2

Bệnh nhân bị khuyết hổng lưỡi diện rộng sẽ phải thực hiện tái tạo

Theo BS Bùi Xuân Trường, Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM, những trường hợp được phát hiện ung thư lưỡi sớm, người bệnh sẽ được điều trị nội khoa tích cực có thể đẩy lùi bệnh giúp bảo tồn lưỡi và các chức năng liên quan. Tuy nhiên, những trường hợp nhập viện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ phần lưỡi và sàn miệng, đồng thời tiến hành nạo hạch vùng cổ để tránh nguy cơ di căn, tái phát.

Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được xạ trị hoặc hóa xạ trị. Tuy nhiên, khoảng 86% bệnh nhân sau điều trị tái phát bệnh trong 2 năm đầu, tỷ lệ sống còn sau 5 năm giai đoạn I và II và 75%, giai đoạn III và IV chỉ khoảng 40%.

Những bệnh nhân phải cắt lưỡi sau phẫu thuật sẽ bị khuyết hổng lưỡi, để phục hồi các chức năng của lưỡi cho người bệnh bác sĩ sẽ thực hiện tái tạo lại với kỹ thuật vi phẫu mạch máu và thần kinh. Các giải pháp đã được thực hiện bao gồm: làm lành sẹo thứ phát, may khép một thì, ghép da, vạt tại chỗ, vạt tại vùng, vạt tự do.

Lưỡi bị ung thư sau khi cắt được bác sĩ tái tạo như thế nào? - 3

Phương pháp vạt cơ vùng mặt trước cẳng tay để tái tạo lưỡi cho bệnh nhân đang mang lại kết quả khả thi

Bệnh nhân cắt bướu bờ bên lưỡi, vị trí khuyết hổng dưới 1/3 lưỡi sẽ được bác sĩ làm lành sẹo thứ phát và may khép một thì. Bệnh nhân cắt bướu bị khuyết hổng vùng bụng lưỡi sẽ được thực hiện thêm giải pháp ghép da hoặc vạt tại chỗ để che phủ vị trí khuyết hổng. Các vùng da ghép có thể được lấy từ vạt cơ niêm động mạch mặt, vạt dưới cằm, vạt dưới móng, vạt trên đòn, vạt cẳng tay quay…

Đến nay, phương pháp vạt cơ vùng mặt trước cẳng tay để tái tạo lưỡi cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu đang mang lại kết quả khả thi. Theo BS Xuân Trường, phương pháp này tuy tốn nhiều thời gian nhưng giúp cung cấp đủ lượng mô cho khuyết hổng ở lưỡi, tỷ lệ thành công cao, không hạn chế nạo hạch cổ. Tỷ lệ sống của vạt cẳng tay quay lên tới hơn 93%, tỷ lệ tái phát bệnh không cao hơn so với các trường hợp không tái tạo theo y văn.

Lưỡi bị ung thư sau khi cắt được bác sĩ tái tạo như thế nào? - 4

Bệnh nhân sau tái tạo lưỡi bị cắt vì ung thư vẫn có thể giữ lại chức năng cơ bản nhất của lưỡi

Cuống mạch nuôi phần lưỡi tái tạo sẽ nối với động mạch, tĩnh mạch mặt ở vùng cổ. Dây thần kinh cảm giác của vạt da sẽ nối với thần kinh lưỡi được bảo tồn sau khi cắt bỏ khối u. Sau tái tạo, bệnh nhân có thể hồi phục chức năng của lưỡi (nói được, ăn uống dễ dàng, cảm giác nóng, lạnh…) chức năng của lưỡi sau tạo hình phục hồi có thể đạt tới 96% sau 6 tháng phẫu thuật giúp người bệnh có được cuộc sống tương đối bình thường.

Vân Sơn

(Ảnh: bệnh viện cung cấp)