1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Luật BHYT đối phó với tình trạng vỡ quỹ

(Dân trí) - Sau nhiều năm thảo luận Luật bảo hiểm y tế (BHYT) hướng tới thực hiện bắt buộc và cùng chi trả trong khám chữa bệnh (KCB), những chính sách khắc phục lỗ hổng dẫn tới vỡ quỹ tiếp tục được đưa ra.

Duới đây là cuộc trao đổi giữa PV Dân trí và bà Tống Thị Song Hương (ảnh), Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế xung quanh vấn đề này

Nhiều năm thảo luận vẫn chưa xong luật

Từ đầu năm 2006, Luật BHYT đã được đưa ra để thảo luận, lấy ý kiến xây dựng nhằm đi đến thống nhất. Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm hiện nay (cuối năm 2008) vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh luật này. Đâu là nguyên nhân thưa bà?

Có thể thấy luật BHYT rất nhạy cảm. Đây là vấn đề xã hội liên quan đến kinh tế, chính trị. Vì vậy, xây dựng luật ra sao để nó có thể tác động đến tất cả các đối tượng và khả thi là điều không hề đơn giản.

Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ vừa rồi, các luật khác chỉ xin ý kiến có 3 vấn đề là cùng, riêng luật BHYT có tới 7 vấn đề cần góp ý.

Hiện, Uỷ ban Các vấn đề xã hội đã tổ chức lấy ý kiến của người dân. Đây là việc rất quan trọng để có thể nhận được ý kiến nhiều chiều nhằm đưa ra luật một cách thoả đáng.

Như vậy, dự thảo luật BHYT sẽ lại tiếp tục sửa đổi hoặc bổ sung. Xin bà nói rõ những điểm mới của dự thảo luật lần này?

Sẽ có một  số sửa đổi sau:

- Thực hiện những định hướng mới như: Tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. Đối tượng tham gia BHYT lần này sẽ phải tham gia theo hình thức bắt buộc và theo lộ trình. Nghĩa là vẫn có 24 nhóm đối tượng chưa cần tham gia bắt buộc (thương bệnh binh, người nghèo, người dân tộc thiểu số....)

- Quy định quyền lợi của người tham gia BHYT, trong đó có vấn đề cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh.

- Quy định cụ thể trách nhiệm các các đơn vị tham gia vận hành BHYT (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, UBND các cấp...)

- Thực hiện cùng chi trả phí khám chữa bệnh

- Về mức đóng BHYT, nếu trước đây quy định cụ thể có tính nguyên tắc thì nay chỉ quy định mức trần tối đa (6% lương cơ bản). Rồi tùy từng thời điểm và nhóm đối tượng, Chính phủ sẽ quy định mức đóng (có thể 5% sau có thể tăng hoặc giảm. Ví như những đối tượng được ngân sách hỗ trợ như thương binh chỉ phải đóng 3%...)

- Thành lập Hội đồng BHYT (trước đây chỉ có Hội đồng BHXH), trong đó quan trọng nhất là chủ tịch hội, người phải có am hiểu về chuyên môn và xã hội. Từ đó có những phương án vận hành Hệ thống quản lý quỹ sao cho nó hoạt động một cách hiệu quả, ít tốn kém nhất.

- Quy định trong quản lý và sử dụng quỹ BHYT và một số nội dung khác.

Vì sao cơ quan Bảo hiểm lại muốn dùng hình thức cùng chi trả trong BHYT?

Thực hiện cùng chi trả sẽ tránh được lạm dụng và tăng tính tự giác trong KCB của người tham gia BHYT, hạn chế sự quá tải. Cơ quan quản lý quỹ, chính là những người cầm tiền, có trách nhiệm mua BHYT cho người đã đóng tiền, phải nâng cao năng lực quản lý. Khi người dân cùng chi trả trong KCB thì ngành Y tế cũng phải nâng cao chất lượng phục vụ.

Những vấn đề trên sẽ được đưa ra Quốc Hội thảo luận nhằm lấy ý kiến trước khi thành luật?

Đúng vậy. Tuy nhiên để đưa những vấn đề đã nêu được thống nhất và đưa thành luật sẽ cần một thời gian nữa.

Người dùng thẻ BHYT vẫn khám ở BV chỉ định

Có rất nhiều ý kiến cho rằng nếu đã xã hội hoá BHYT thì nên dùng thẻ này tương tự như thẻ ATM, nghĩa là có thể đến bất cứ đâu để khám chữa bệnh chứ không phải đến đúng BV đã được chỉ định hoặc đăng ký mới được KCB như hiện nay?

Cá nhân tôi rất ủng hộ ý kiến đó. Việc đưa ra thẻ BHYT thuận lợi phù hợp với điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật như hiện nay là cần thiết. Nhưng với tính chất phức tạp đặc thù của BHYT và liên quan đến cơ chế quản lý tài chính hiện nay thì không thể để người dân cầm thẻ đến bệnh viện nào cũng được. Có người dân thắc mắc: “Chả lẽ tôi đang ở TP HCM phải về tận Hà Nội để khám vì thẻ bảo hiểm lại đăng ký KCB tại BV Xanh -pôn. Những”. Trên thực tế thì không phải vậy, trong quy định của chuyển tuyến đã nói rõ: Tất cả các trường hợp cấp cứu hoặc bất chắc gì xảy ra thì người bệnh có thể đến bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào đều được hưởng chế độ.

Một vấn đề vẫn đang tồn tại hiện nay là thẻ BHYT đã được sử dụng nhiều năm nay nhưng vẫn diễn ra tình trạng phân biệt đối xử giữa người dùng thẻ BHYT và người khám dịch vụ tự trả tiền?

Trên thực tế hiện nay, đối tượng dùng thẻ BHYT đến KCB rất đông mà đã đông thì sẽ gây quá tải và chờ đợi. Bên cạnh đó, việc thanh toán BHYT lại qua một cơ quan khác nên phải thông qua việc kiểm tra, giám sát, dẫn đến thời gian bị kéo dài ra, điều này cũng làm cho người bệnh không hài lòng.

Bộ Y tế đã có những văn bản chỉ đạo các BV phải cải tiến quy trình KCB, khắc phục bớt phiền hà cho người dân, trong đó có đối tượng dùng thẻ BHYT. Nhưng cũng cần có sự quan tâm đến chính sách đối với cán bộ y tế thì mới giải quyết được dứt điểm vấn đề.

Bộ Y tế cũng đang hướng tới việc thẻ BHYT chỉ là khâu cuối cùng trong quá trình KCB. Như vậy sẽ tránh được sự phân biệt, đối xử. Ngoài ra, rất nhiều người cũng không muốn cầm chiếc thẻ phân biệt rõ giữa BHYT dành cho người nghèo với BHYT thông thường.

Một trong nhưng nguyên nhân dẫn đến sự quá tải trong KCB hiện nay là vấn đề chăm sóc sức khoẻ ban đầu kém, dẫn đến bệnh nhân vào viện nhiều. Vì sao BHYT không dành kinh phí cho vấn đề này, nhằm giải quyết vấn đề quá tải tại các BV?

Quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh là rất đúng. Nhưng trước mắt, quỹ BHYT còn hạn chế nên mới chỉ thực hiện được vấn đề KCB. Tuy nhiên, vấn đề này đã được BHYT dần đưa vào quyền lợi của người dân. Ví dụ BHYT học sinh đã trích 20% kinh phí dành cho vấn đề chăm sóc sức khoẻ ban đầu, ở một số cơ sở KCB đã đưa chẩn đoán sớm, phòng tránh HIV vào BHYT.

Lỗ hổng khiến quỹ BHYT vỡ

Có ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng bộ máy quản lý của BHYT hiện cồng kềnh, kinh phí để vận hành bộ máy này lấy từ quỹ BHYT là bất hợp lý?

Chi phí vận hành của bộ máy quản lý này không lấy từ quỹ BHYT, bởi từ năm 2006 - 2007 quỹ BHYT đã vỡ, bội chi hơn 1.000 tỷ thì lấy đâu ra tiền để chi phí cho bộ máy quản lý.

Thực tế hiện nay là người của tổ chức BHXH hiện đang thực hiện quản lý quỹ BHYT. Chi phí vận hành được lấy từ quỹ đầu tư tăng trưởng của BHXH. Quỹ này có kết dư và đang hoạt động bằng một số hình thức đầu tư sinh lợi nhuận.

Vấn đề lạm dụng BHYT ở nhiều nơi đã được xác định là một trong những nguyên nhân gây vỡ quỹ. Có hướng giải quyết nào thực sự khắc phục vấn nạn này, thưa bà?

Một trong những biện pháp đang được sử dụng là tăng cường kiểm tra giám sát. Một trong những kẽ hở lớn trước đây là không có quy định về thanh tra trong BHYT. Để khắc phục vấn đề này, dự thảo mới sẽ đưa ra trình Quốc hội riêng một chương quy định về thanh kiểm tra đối với việc sử dụng quỹ BHYT.

Cảm ơn bà!

P. Thanh (thực hiện)