1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Lựa chọn tư thế nằm để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ

(Dân trí) - Tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng hơn 70 trẻ sơ sinh tử vong. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã tổng hợp nghiên cứu của ThS. BS. Nguyễn Thành Chung - Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Y khoa tại Curtin University, Australia và đưa ra những khuyến cáo để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ.

Gặp cả ở trẻ khỏe mạnh

Theo ước tính của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam chiếm khoảng 18/1.000 số trẻ sinh ra. Với khoảng 1,5 triệu trẻ em được sinh ra hằng năm thì mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 27.000 trẻ sơ sinh tử vong và mỗi ngày có trên 70 trẻ sơ sinh tử vong.


Tư thế nằm ngửa được khuyến khích để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ.

Tư thế nằm ngửa được khuyến khích để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ.

Không riêng gì tại Việt Nam, hội chứng đột tử ở trẻ em cũng làm đau đầu các nhà khoa học trên thế giới. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ, đột tử (SIDS) là trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chết đột ngột, bất ngờ, không rõ nguyên nhân, ngay cả sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước điều tra chuyên môn.

Theo số liệu thống kê, tại Mỹ, hơn 2000 trẻ chết không rõ nguyên nhân trong năm 2010. 90% trẻ đột tử nằm trong nhóm tuổi dưới 6 tháng tuổi. Đa phần SIDS xảy ra với trẻ dưới 1 năm tuổi và xảy ra lặng lẽ, bất ngờ với ngay cả trẻ dường như đang rất khỏe mạnh.

Cho đến nay, y học vẫn chưa biết rõ những nguyên nhân gây ra các trường hợp đột ngột tử vong ở trẻ dưới một tuổi. Trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, trẻ được tiêm phòng nhiều loại vắc xin khác nhau để phòng trừ bệnh tật. Cũng trong độ tuổi này, ít ai biết rằng đây là thời kỳ cao điểm dễ xảy ra Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Đã có rất nhiều nghiên cứu khác nhau tìm kiếm mối liên hệ giữa vắc xin và SIDS. Kết quả đều cho thấy vắc xin hoàn toàn không phải là nguyên nhân gây ra SIDS. Đối với phản ứng của cơ thể trẻ trong tiêm chủng, các bác sỹ chuyên khoa khẳng định: chỉ có vài tác dụng phụ có thể xảy ra mà cả thế giới ghi nhận là đau, sốt phát ban, cao hơn nữa là sốc phản vệ và hiện tượng này chỉ xảy ra vài ngày rồi chấm dứt. Trên thực tế, có những trường hợp trẻ bị SIDS trùng với thời điểm tiêm chủng. Điều này khiến dư luận băn khoăn và nghi ngờ nguyên nhân xuất phát từ quá trình tiêm chủng.

Giảm nguy cơ đột tử như thế nào?

Theo Bộ Y tế, hiện nay, khoa học chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác của Hội chứng đột tử ở trẻ dưới 1 tuổi (SIDS). Hội chứng này không có dấu hiệu cảnh báo trước nên rất khó phán đoán và dự phòng; hội chứng không thuộc nguyên nhân nhiễm khuẩn và cũng không phải do di truyền. Tuy nhiên, phụ huynh hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ SIDS cho trẻ nhờ chú ý đến tư thế nằm của bé.

Theo nghiên cứu của Học viện Bệnh nhi Mỹ vào năm 1992 khuyến nghị đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ cũng giảm thiểu nguy cơ SIDS. Viện Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người Quốc gia đã thực hiện thành công chiến dịch truyền thông “Nằm ngửa khi ngủ” vào năm 1994, nhằm giúp người dân Mỹ ý thức được vấn đề này và giảm thiểu con số tử vong ở trẻ sơ sinh Mỹ.

Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã đưa ra các khuyến cáo nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong, theo đó khuyến khích tăng tỷ lệ cho trẻ ngủ tư thế nằm ngửa, trên nền giường hoặc cũi cứng, phẳng thay vì cho trẻ năm sấp hoặc nằm nghiêng.

Những ngày đầu sau sinh nên cho trẻ năm ngửa. Khi trẻ đã biết lật từ nằm ngửa sang nằm sấp và ngược lại thì có thể để cho trẻ tự chọn tư thế yêu thích.

Nằm trên nền giường hoặc cũi cứng, phẳng, không có phần cứng lồi lõm

Ga trải giường mỏng mềm và gọn gàng (không quá rộng so với cũi và giường).

Không dùng chăn mềm dày và gối mềm để lót cho trẻ.

Tránh phủ chăn, quấn tã quá nhiều

Lúc trẻ ngủ nên cho ngậm núm vú giả

Nhớ nguyên tắc: ngủ chung phòng chứ không ngủ chung giường với trẻ (mẹ có thể nằm ở một giường khác tách khỏi giường/cũi của con nhưng ở gần và có thể sờ hoặc với.

Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ SIDS, thai phụ nên chú trọng việc chăm sóc sức khỏe thai sản từ sớm, thường xuyên và liên tục. Phụ nữ tránh hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất cấm khi mang thai và sau khi sinh. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ được bú mẹ trong 6 tháng đầu ít có nguy cơ bị SIDS so với trẻ không được bú mẹ. Tiêm vắc xin được chứng minh là một yếu tố bảo vệ đối với hội chứng đột tử trẻ em. Một nghiên cứu của Vennemann và cộng sự đã chỉ ra rằng tiêm vắc xin cho trẻ những tháng đầu đời sẽ giảm tỷ lệ tử vong xuống 50%

Ngoài ra, cần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bé và lưu tâm đến từng thay đổi nhỏ của trẻ để có thể phản ứng kịp thời trong các trường hợp nguy hiểm.

Tú Anh