Loét giác mạc vì nhiễm ký sinh trùng trong bụi
(Dân trí) - Cô gái 20 tuổi ở Đắc Lắc bị loét giác mạc trầm trọng do một loại kí sinh trùng amip ăn mòn giác mạc sau khi bị bụi vào mắt trong quá trình đeo kính áp tròng.
TS.BS Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết giác mạc (BV Mắt trung ương) cho biết, bệnh nhân Đ.T.T.T 20 tuổi (quê ở Đắc Lắc) không mắc tật khúc xạ, nhưng lại có sở thích đeo kính áp tròng làm đẹp khi đi chơi với bạn bè, mỗi lần đeo từ 5 đến 8 tiếng.
Lần gần đây nhất, T. bị bụi vào mắt khi đeo kính khi đang đi đường. Sau khi về nhà bỏ kính, nhỏ nước muối vài ngày, T. thấy mắt mờ dần, đỏ mắt nên tự mua thuốc về tra nhưng ngày càng nặng lên.
Ngày 9/1, T. đến BV Mắt Trung ương khám trong tình viêm loét giác mạc trầm trọng. Kết quả xét nghiệm cho thấy một loại ký sinh trùng Acanthameoba đã xâm nhập, gây nên tình trạng viêm nhiễm trầm trọng tại mắt.
Theo bác sĩ, T. đều tuân thủ việc rửa tay, tra thuốc kỹ càng trước khi đeo kính áp tròng.
Ký sinh trùng Acanthamoeba là ác mộng với người đeo kính áp tròng bởi nó tấn công, ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu đồng thời tự “vỗ béo” từ những vi khuẩn trong kính bẩn khiến bệnh nhân bị ngứa mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phù mí và đau mắt.
Loại ký sinh trùng này thường được tìm thấy trong nước máy, nước bể bơi và bụi nên đó là lý do T. bị nhiễm bệnh.
Vì thế, khi dù tiếp xúc với môi trường nào, nếu xuất hiện các triệu chứng đau mắt, tấy đỏ, mắt nhạy cảm với ánh sáng và nhìn mờ cần đến ngay cơ sở nhãn khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ giảm thị lực, mù loà. Việc điều trị cần rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và tuân thủ phác đồ điều trị hàng tháng, thậm chí vài tháng trời.
Theo TS Đông, kính áp tròng được nhiều bạn gái yêu thích bởi có thể làm thay đổi màu mắt, nhìn mắt to, long lanh hơn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như làm mắt thiếu oxy, dẫn đến khô mắt, đau mắt, nghiêm trọng hơn sẽ gây loét giác mạc, thậm chí mù lòa.
Vì thế không nên lạm dụng đeo kính áp tròng kể cả khi làm đẹp hay đeo với mục đích thay kích cận thông thường, nhất là trong môi trường khói bụi của Việt Nam.
Khi đeo kính nên có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa mắt về cách sử dụng và bảo quản.
Hồng Hải