Loạn thuốc “hỗ trợ” trí nhớ

(Dân trí) - Cùng với các sĩ tử vùi đầu vào học là sự “chạy đua” của các phụ huynh nhằm chăm sóc con mình có sức khoẻ, có trí tuệ tốt nhất để vượt “ngọ môn” đang gần kề. Ngoài việc “nhồi” con ăn, nhiều ông bố, mà mẹ cũng kỳ vọng vào sự “kỳ diệu” của các loại thuốc bổ...

Từ bình dân đến cao cấp

 

“Mỗi ngày ngoài ba bữa bổ dưỡng, vào sáng sớm và sau bữa ăn tối, tôi đều cho con uống thuốc hỗ trợ trí nhớ để nó có thể học tốt hơn. Nhất là cháu nhà tôi lại học môn xã hội, không có trí nhớ tốt làm sao học thuộc lòng được”, chị Hà ở KTT Nghĩa Tân tâm sự. Chị còn cho biết thêm, nhữnng người cùng làm ở cơ quan chị có con năm nay thi đại học đề cho con dùng loại thuốc này. Tuy nhiên, tuỳ vào túi tiền nặng hay nhẹ mà mỗi người có sự lựa chọn các loại thuốc khác nhau.

 

Trong vai sĩ tử lên Hà Nội ôn thi đi tìm mua thuốc “tăng trí nhớ” tôi thật sự thấy hoang mang trước “mê hồn trận” các loại thuốc được giới thiệu là hỗ trợ ghi nhớ, làm cho trí óc tỉnh táo, cải thiện tuần hoàn máu… Theo lời giới thiệu của người bán hàng thì những loại thuốc này có công năng kỳ diệu, đó là làm tăng trí nhớ cho sĩ tử, giúp họ học bài nhanh vào, nhanh nhớ hơn.

 

Các loại thuốc hỗ trợ trí nhớ cũng có đủ các loại từ bình dân đến cao cấp. Đủ chủng loại thuốc từ giá ở “trên trời” đến những loại thuốc thông thường, sản xuất trong nước với giá cả rất rẻ. Tại một cửa hàng thuốc ở Văn Miếu, giờ tan tầm, rất đông sĩ tử và phụ huynh học sinh đứng đợi mua thuốc “bổ não” này.

 

Người ít tiền thì hỏi mua các loại thuốc bổ thông thường như B1, B6, B12, Hoạt Huyết Dưỡng Não… Người nhiều tiền hơn thì dùng các loại thuốc hỗ trợ thần kinh cao cấp như Arcaliotin, Piracetam, Duxil v.v… giá tới 3.000 – 4.000 đồng/viên. Hay loại thuốc nguồn gốc thảo dược Ginhkgobiola với vô số các tên biệt dược Takan, Tanakan, Superkan… giá cũng tăng từ 1.000 đồng/viên đến 5.000 đồng/viên.

 

Thuốc hỗ trợ trí nhớ gây… quên?

 

Đó là lời cảnh báo của nhiều chuyên gia thần kinh trước tình trạng nhiều người quan niệm, thuốc “tăng trí nhớ” là thuốc bổ, nên tự ý dùng vô tội vạ không cần sự tư vấn của bác sỹ.

 

“Công nghệ rỉ tai” thực sự được phát huy hết tác dụng. Khi được “rỉ tai” về loại thuốc tăng trí nhớ, nhiều người đã lao ngay đến hiệu thuốc, và chỉ sau vài lời “tư vấn” qua loa của chủ các hiệu thuốc là mua liền.

 

Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) lo ngại việc dùng các loại thuốc được gọi là “tăng trí nhớ” của các sĩ tử. BS Tuấn khẳng định rằng, không có phương thuốc kỳ diệu nào tạo ra trí nhớ hay trí thông minh, mà đã là thuốc dù là thuốc bổ cũng phải được uống theo đơn. Vì các loại thuốc “hỗ trợ trí nhớ” nói trên đều làm có tác động biến đổi tâm thần, có thể ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc….

 

Theo BS Tuấn, thuốc hỗ trợ trí nhớ được các sĩ tử có thói quen học vẹt, học thuộc lòng tận dụng tối đa. Nhưng họ không biết thuốc cũng giống như con dao hai lưỡi.

 

Đơn cử như thuốc Seduxen có tác dụng an thần, giải toả căng thẳng, có thể giúp ích cho thí sinh tính cách hay lo âu nhưng nếu lạm dụng, nó lại gây ra tác dụng không mong muốn rất tai hại cho kỳ thì là gây ngủ và gây ra triệu chứng... quên.

 

Ngược lại, với loại tác động mạnh như Amphetamin kích thích đầu óc tỉnh táo giúp sĩ tử chống lại cơn buồn ngủ nhưng nếu dùng thuốc kéo dài có thể làm cơ thể suy kiệt và nguy hiểm hơn là gây nghiện.

 

Còn việc dùng các loại thuốc kích thích thần kinh kéo dài sẽ làm cho thần kinh luôn luôn bị hưng phấn và ức chế quá mức, lâu ngày có thể gây ra rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí gây ra tai biến và tử vong.

 

Do vậy, cần hết sức thận trọng khi dùng các loại thuốc tâm thần và chỉ dùng thuốc theo đúng đơn kê của bác sỹ chuyên khoa thần kinh. Nếu bản thân sỹ tử đã khoẻ mạnh và hứng thú học tập thì không cần phải dùng loại thuốc nào mà hiệu quả vẫn cao.

 

Cách học hiệu quả nhất

 

Theo BS Tuấn, trí nhớ được quyết định bởi hai yếu tổ bẩm sinh và rèn luyện. Việc ghi nhớ kiến thức phải là quá trình tích luỹ lâu dài, chứ không phải dùng các loại thuốc tâm thần cao cấp trong vài ngày, vài tuần mà có được. Do vậy, để ôn thi hiệu quả, cần có quá trình ôn luyện lâu dài, đừng để “nước đến chân mới nhảy”. Học theo các này nguy cơ bị stress do tâm lý bất an, sợ học không kịp, tình trạng bị stress sẽ gây giảm trí nhớ.

 

Trong kỳ ôn thi, các sỹ tử nên giữ vệ sinh tâm thần, chú ý ăn uống đủ chất, vì cơ thể và thần kinh là một thể thống nhất. Trí não con người chỉ hoạt động hiệu quả liên tục trong vòng 45 phút đến 1 giờ và kéo dài tối đa 10 - 12 giờ/ngày. Vì thế, sỹ tử không nên ngồi một chỗ học liên tục, nên thường xuyên đi lại, kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn.

 

Với phụ huynh, không nên ép con học quá sức, cũng không nên bắt các cháu ăn quá no, quá nhiều chất bổ sẽ làm cơ thể mệt mỏi do phải tiêu hoá một lượng thức ăn quá lớn. Điều rất quan trọng nữa theo bác sỹ Tuấn là phụ huynh không nên tạo sức ép đối với con cái để tránh gây tâm trạng lo lắng cho sĩ tử vì sự kỳ vọng của cha mẹ. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến tâm trí, sự tập trung của sĩ tử khi học ôn thi. 

 

Hồng Sam - Thái Anh