Loạn thần giả bệnh: Nghiêm trọng, khó lành!
(Dân trí) - Kinh tế phát triển, đô thị hóa tăng, nhiều stress cuộc sống, hệ lụy là tăng những rối loạn tâm thần. Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết, hiện khoảng 30% người Việt bị rối loạn tâm thần.
Loạn thần giả bệnh là một dạng bệnh tâm thần đặc biệt, người bệnh có động thái như là mắc bệnh thật sự, có khi họ tự gây ra các triệu chứng, các tổn thương cho chính bản thân để chứng minh rằng mình có bệnh thật.
Tổng quan về chứng loạn thần giả bệnh
Loạn thần giả bệnh, bệnh tự tạo (factitious disorder, playing sick, sick player), còn gọi là hội chứng Munchausen, là một bệnh tâm thần kỳ quặc, trong đó người bệnh liên tục có các hành động như thể có bị bệnh thể chất, cảm xúc hoặc nhận thức như thật. Nhiều lúc, bệnh nhân gây ra dấu hiệu, thương tật cho chính bản thân với ý đồ không vì lợi ích vật chất hay tài chính, mà chủ yếu là gây sự chú ý, thông cảm và chăm sóc của người chung quanh, đặc biệt với thầy thuốc.
Loạn thần giả bệnh được Baron von Munchausen, một sĩ quan Đức thế kỷ 18, phát hiện đầu tiên, nên được đặt tên là hội chứng Munchausen. Hầu hết các bệnh nhân mắc hội chứng này thường có các triệu chứng cơ năng như đau tức ngực, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, sốt…
Tuy chưa có số liệu thống kê tin cậy, chính thức về tỷ lệ mắc bệnh, nhưng loạn thần giả bệnh thường hiếm, chỉ khoảng 1% . Bệnh thường gặp ở người trung niên, nhưng cũng có phát hiện ở trẻ em và người cao tuổi.
Cần phân biệt loạn thần giả bệnh với hai tình huống: (1) Bịa đặt ra bệnh để trục lợi, như để xin nghỉ việc hay thắng kiện. Người loạn thần giả bệnh biết được việc gây ra triệu chứng, thương tổn có thể nguy hại cho bản thân nhưng họ lại không ý thức được vì sao mình làm như thế; và (2) Bệnh loạn thần bắt chước, hysteria, trong trường hợp này bệnh nhân có những hành vi quá mức và ngoài tầm kiểm soát bắt chước giống căn bệnh thật.
Theo các nhà nghiên cứu, hai yếu tố sinh học và tâm lý góp phần tạo ra hội chứng loạn thần giả bệnh này. Một số tác giả khác lại gợi ý, tiền sử bị lạm dụng, bỏ rơi, nhiều lần đau nặng phải nằm viện cũng có liên quan đến việc khởi phát bệnh.
Nếu không được điều trị ổn định, chứng loạn thần giả bệnh có thể có những biến chứng, thậm chí tử vong, liên quan đến việc tự gây thương tích, lạm dụng và phản ứng phụ của thuốc tự dùng, tai biến do làm quá nhiều xét nghiệm, thủ thuật và phương pháp điều trị, và nguy cơ muốn tự tử.
Chẩn đoán
Loạn thần giả bệnh rất khó chẩn đoán vì bệnh nhân thường không thành thực khai nhận. Để tìm, chẩn đoán đúng căn bệnh, bác sĩ thường phải theo tuần tự gồm các bước: (1) một là loại trừ các bệnh tật thể chất và tinh thần, (2) hai là theo dõi các chỉ dấu gợi ý bị bệnh; (3) ba là phối hợp với bác sĩ tâm thần, và sử dụng các thủ thuật chuyên khoa, và (4) bốn là rà soát theo tiêu chí Cẩm nang chẩn đoán và thống kê bệnh loạn thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders DSM5) của Hội Tâm thần Hoa Kỳ (American Psychiatric Association APA) .
Các dấu hiệu gợi ý hội chứng Munchausen gồm:
- Bệnh nhân thường có kiến thức sâu rộng về y tế, các thuật ngữ y học, cũng như mô tả rõ các sách giáo khoa y học, các bệnh viện chuyên khoa…
- Hồ sơ y bạ với nhiều lần khám, kiểm tra, xét nghiệm và tư vấn nhưng thường không có căn bệnh thực thể phù hợp.
- Các triệu chứng bệnh thường không rõ ràng, đặc biệt không có triệu chứng hay xét nghiệm “vàng” kèm theo. Đặc biệt, có các triệu chứng chỉ xuất hiện khi bệnh nhân một mình hoặc không được theo dõi, ví dụ: co giật, nôn mửa, đi lỏng…và xuất hiện các triệu chứng mới hoặc bổ sung sau kết quả xét nghiệm âm tính.
- Háo hức khi được đề nghị làm thêm các xét nghiệm y khoa, các thủ thuật thăm dò khác, thậm chí cả phẫu thuật.
- Không cho phép chuyên gia, bác sĩ xem hồ sơ, gặp gỡ hoặc nói chuyện với gia đình, bạn bè hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe trước đây.
- Tạo những dấu hiệu, xét nghiệm giả như cào rách da, cột dây cho tím tái tay, cho máu vào phân, nước tiểu để có “hội chứng lỵ” hay tiểu máu…..
Điều trị loạn thần giả bệnh thế nào?
Điều trị chứng loạn thần giả bệnh rất khó khăn vì người bệnh thường tự động điều trị những rối loạn khác nhau do họ “phát minh” ra, và không chấp nhận chế độ điều trị chuẩn xác y học. Khi chăm sóc cần bảo vệ, tránh để bệnh nhân tự hại cơ thể và chỉ dẫn họ những tác hại có thể xảy ra.
Mục tiêu đầu tiên là thay đổi hành vi của người bệnh và giảm thiểu tối đa sự lạm dụng hoặc sử dụng quá nhiều thuốc men, phương tiện y tế. Sau đó, tìm ra các vấn đề tâm lý gây ra rối loạn hành vi của bệnh nhân.
Điều trị chính cho chứng loạn thần giả bệnh là tâm lý trị liệu, một loại tư vấn y học, tập trung vào việc thay đổi tư duy và hành vi của cá nhân, liệu pháp nhận thức hành vi. Cũng cần hướng dẫn người thân trong gia đình không nên khen thưởng, cổ xúy hay xa lánh người bệnh.
Hiện tại, chứng loạn thần loạn thần giả bệnh chưa có thuốc điều trị. Tuy nhiên, thầy thuốc tùy theo trường hợp cụ thể, có thể dùng các thuốc điều trị các loạn thần liên quan như trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn nhân cách.
Thay lời kết
Trong khi có bệnh nhân chỉ mắc loạn thần giả bệnh vào một giai đoạn nào đó, còn hầu hết thường tái diễn và rất khó điều trị vì bệnh nhân không chấp nhận căn bệnh nên không tuân thủ theo hướng dẫn, tư vấn, điều trị.
Chứng loạn thần giả bệnh là một loạn thần chức năng, thuộc bệnh lý tâm thần kinh. Do đó, không có cách nào để ngăn ngừa và điều trị triệt để. Việc điều trị, thực chất là tư vấn, tâm lý liệu pháp hướng tới kiểm soát các rối loạn hơn là cố chữa hết nó.
Bác sĩ điều trị, gia đình, người thân tránh xác định trực tiếp loạn thần giả bệnh, vì làm như thế người bệnh sẽ tự ái, giận dữ, phản kháng ngay và từ chối hướng dẫn trị liệu tiếp. Cần động viên tâm lý tình cảm để họ thuận lòng, tiếp nhận lời khuyên và tâm lý trị liệu. Cũng cần tránh, hạn chế nhập viện, xét nghiệm hoặc điều trị không cần thiết, tốn kém và thêm hại cho bệnh nhân.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam