“Loạn” giá thuốc trúng thầu

Cùng tên thuốc, thành phần, hàm lượng và nhà sản xuất nhưng khi đấu thầu giá vào bệnh viện lại chênh lệch từ vài ngàn đến hàng trăm ngàn đồng.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam), cho biết khi đối chiếu danh mục thuốc trúng thầu của các địa phương, bệnh viện (BV) đã phát hiện nhiều điều bất ổn. Cùng một loại thuốc nhưng giá trúng thầu vào các BV lại chênh lệch nhau rất lớn.

 

“Loạn” giá thuốc trúng thầu

Người bệnh phải mất đến 60 -70% tổng chi phí điều trị để mua thuốc. Trong ảnh: Mua thuốc tại một bệnh viện ở Hà Nội

 

Giá đắt lại trúng thầu

 

Dẫn chứng cụ thể, bà Nguyễn Thị Yến cho biết: Cùng một tên thuốc Perabact (hoạt chất là Cefoperazon) do Ấn Độ sản xuất nhưng tỉnh Đồng Tháp có giá trúng thầu là 18.000 đồng/hộp 10 lọ khi đó ở Cần Thơ vọt lên 30.000 đồng/hộp 10 lọ. Vẫn hoạt chất ấy, thuốc Trikapezon do Việt Nam sản xuất nhưng giá chấm thầu ở BV Phổi Trung ương là 28.000 đồng/lọ còn tại BV Trung ương Huế là 36.750 đồng/lọ.

 

Đặc biệt, cùng là hoạt chất Arginin hàm lượng 200mg do Việt Nam sản xuất, với nhiều tên thuốc khác nhau giá trúng thầu vào các BV cũng rất khác nhau. Mức trúng thầu thấp nhất 650 đồng/viên (BV Hữu nghị Việt Nam - CuBa Đồng Hới) và cao nhất là 1.900 đồng/viên (BV Phong - Da liễu Trung ương Tuy Hòa).

 

Không chỉ có sự khác biệt về giá thuốc trúng thầu giữa các địa phương mà ngay trong một BV giá cũng chênh nhau tới gần 45%. Đơn cử như thuốc Trikapezon plus (Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 sản xuất) và Midapezon (Công ty CP Dược phẩm Minh Dân sản xuất) hàm lượng 0,5 g + 0,5 g hoạt chất Cefoperazon + Sulbactam nhưng giá trúng thầu tại BV Phổi Trung ương 33.000 đồng và 47.800 đồng/hộp.

 

Tương tự, hoạt chất Cefalexin 500 mg tại tỉnh Bình Phước có tới 3 mức giá trúng thầu, thấp nhất là 716 đồng/viên và cao nhất là 2.000 đồng/viên. Cùng hoạt chất Glucosamin 250 mg, BV C Trung ương Huế chọn thuốc Zennif giá 410 đồng/viên, BV C Đà Nẵng chọn thuốc Éloge - Glucosamin giá 8.000 đồng/viên.

 

Dễ nảy sinh tiêu cực!

 

Ông Nguyễn Quang Ân, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), cho biết theo Thông tư 10 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế có hiệu lực từ ngày 1-6, giá trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá của mặt hàng thuốc đó trong kế hoạch đấu thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu mặt hàng thuốc đó chưa được công bố giá tối đa thì chỉ xét duyệt khi mặt hàng thuốc đó có giá không được cao hơn giá bán buôn kê khai hoặc kê khai lại đang còn hiệu lực.

 

 Hướng dẫn đấu thầu thuốc mới này được đánh giá chặt chẽ hơn trước đây. Tuy nhiên, theo bà Yến, đến thời điểm này, đã hơn 2 tháng kể từ khi Thông tư 10 có hiệu lực vẫn chưa có cơ sở khám chữa bệnh hoặc địa phương nào thực hiện. Bình luận về thực trạng cùng một hoạt chất giá trúng thầu lại khác nhau, nhiều ý kiến cho rằng ngoài những lý do khách quan còn là chuyện “làm giá” hay tiêu cực.

 

Thêm gánh nặng cho người bệnh

 

Thị trường thuốc Việt Nam hiện có gần 29.000 loại thuốc với các tên biệt dược khác nhau nhưng số lượng hoạt chất xấp xỉ 1.500. Năm 2011, tổng số tiền mua thuốc đấu thầu là khoảng 18.500 tỉ đồng. Đại diện cơ quan bảo hiểm cho rằng không thể chấp nhận cùng loại thuốc, cùng hàm lượng, cùng dạng bào chế, cùng nhà sản xuất nhưng khi cung ứng vào 2 BV liền kề nhau lại có giá khác nhau. Sự chênh lệch này gây thiệt hại cho ngân sách và cả túi tiền của người bệnh, nhất là khi chi phí mua thuốc ở Việt Nam luôn chiếm khoảng 60%-70% tổng chi phí cho y tế.

 

Theo Ngọc Dung

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm