Loại ung thư nguy hiểm bệnh nhân tiểu đường cần đặc biệt cảnh giác
(Dân trí) - Sự nguy hiểm của ung thư tụy, trước hết, đến từ việc người bệnh rất khó phát hiện nó ở giai đoạn đầu, do khối u nhỏ và các triệu chứng của bệnh không xuất hiện.
Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc ung thư tụy cao
Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng, có đến 40% bệnh nhân ung thư tụy đã mắc tiểu đường khoảng 1-2 năm trước khi phát hiện khối u.
Theo lý giải của các chuyên gia, việc tăng đường huyết kích hoạt tuyến tụy sản sinh một lượng insulin (loại hormone làm giảm đường huyết) cao bất thường. Tuyến tụy luôn ở trạng thái căng thẳng để theo kịp nhu cầu của cơ thể có thể dẫn đến ung thư. Điều này đúng với những người mắc bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường hoặc các mức đường huyết không bình thường khác
Ung thư tụy: Khó phát hiện, nguy cơ tử vong cao
Tụy là một tạng thuộc hệ tiêu hóa, nằm sau phúc mạc, sát thành bụng sau, phía trước tụy được che phủ bởi dạ dày. Tụy được chia thành 3 phần chính lần lượt từ phải qua trái gồm: đầu tụy, thân tụy, đuôi tụy.
Ung thư tụy là những tổn thương ác tính xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của mô tụy, bao gồm các tế bào của mô tụy ngoại tiết, tế bào tụy nội tiết (tế bào đảo Langerhans) và các tế bào thuộc mô liên kết của tụy.
Sự nguy hiểm của ung thư tụy, trước hết, đến từ việc người bệnh rất khó phát hiện nó ở giai đoạn đầu, do khối u nhỏ và các triệu chứng của bệnh không xuất hiện. Trong trường hợp có tín hiệu cảnh báo sớm lại thường không điểm hình, dễ bị hiểu nhầm là triệu chứng của các bệnh lý ít nguy hiểm hơn.
Do đó, hầu hết các trường hợp phát hiện ung thư tụy khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, việc điều trị lúc này rất khó khăn và mục đích chính chỉ là để giảm đau cho người bệnh, bởi đến giai đoạn này, khối u chèn ép lên các dây thần kinh và những bộ phận, khiến người bệnh chịu những cơn đau triền miên.
Ngoài khó phát hiện sớm, tiên lượng của ung thư tụy tương đối kém. Với bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ khối u, tỉ lệ sống trên 5 năm chỉ ở mức 20-30%. Trong trường hợp tế bào ung thư đã lan sang các hạch bạch huyết, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 10%.
Bệnh nhân ung thư tụy ở giai đoạn tiến triển (chưa di căn), khả năng năng sống trên 3 năm là rất thấp. Thậm chí, trong trường hợp khối u đã di căn, cùng với đó là các triệu chứng như sụt cân, đau thì cơ hội sống được 1 năm là dưới 20% cho người được hóa trị và dưới 5% cho những trường hợp không hóa trị.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư tụy
Mặc dù ở giai đoạn sớm, các triệu chứng ung thư tụy đều nghèo nàn, không điển hình nhưng cũng có thể là căn cứ để chúng ta nhận biết căn bệnh này:
Đau bụng
Một trong những triệu chứng thường gặp nhất của ung thư tụy là đau bụng. Triệu chứng này xảy ra trước khi phát hiện bệnh khoảng 1-2 tháng và tăng dần theo tiến triển bệnh.
Đặc trưng của đau bụng do ung thư tụy là cơn đau thường khởi phát ở vùng thượng vị, khi bệnh tiến triển lan sang 2 bên và/hoặc xuyên ra sau lưng. Cơn đau có thể không liên tục nhưng thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa khiến người bệnh phải nằm tư thế cuộn tròn cho đỡ đau; đau nhiều ra sau lưng thường gặp khi khối u nằm ở vùng thân hoặc đuôi tụy hơn là vùng đầu tụy.
Vàng da, vàng mắt
Do khối u tụy làm tắc ống mật chính làm mật từ gan không xuống được tá tràng, khiến mật vào máu gây hiện tượng vàng da, vàng mắt và nước tiểu sẫm màu. Ngoài ra, việc dịch mật bị ứ đọng còn gây ra hiện tượng ngứa ở bệnh nhân ung thư tụy. Vàng da thường gặp và xuất hiện sớm với những khối u vùng đầu tụy
Buồn nôn
Ung thư chèn ép vào đoạn cuối dạ dày có thể gây tắc bán phần, khiến thức ăn khó đi qua. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, điều này có thể gây buồn nôn, nôn và đau nhiều hơn sau khi ăn.
Viêm tụy
Viêm tụy không rõ nguyên nhân hoặc mạn tính có thể do một khối u nhỏ trên tuyến tụy. Mặc dù viêm tụy thường gặp hơn do sỏi mật, thuốc hoặc lạm dụng rượu bia.
Đi ngoài phân nhầy mỡ
Phân nhạt màu như màu đất sét hoặc nhầy mỡ cũng có thể là triệu chứng của ung thư tụy, vì chúng có thể do ung thư làm tắc đường mật.
Các triệu chứng khác
Bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn đầu còn có thể ghi nhận các triệu chứng như: suy nhược, sụt cân không rõ nguyên do, tiêu chảy, …
Các phương pháp tầm soát, chẩn đoán ung thư tụy
Ung thư tụy thường được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, bao gồm:
Siêu âm bụng: Là xét nghiệm bước đầu, sau khi bệnh nhân ghi nhận những triệu chứng của ung thư tụy trong thời gian dài. Trong trường hợp bác sĩ phát hiện thấy một khối u ở tụy trên siêu âm, chụp CT là bước được tiến hành tiếp theo để có thêm thông tin.
Chụp cắt lớp vi tính vùng bụng (chụp CT): Chụp CT giúp xác định vị trí khối u nhỏ trong tuyến tụy, mà siêu âm có thể bị bỏ sót. Ngoài ra, phương pháp này cho phép bác sĩ kiểm tra xem khối u đã xâm lấn, di căn hay chưa và nhiều thông tin quan trọng khác, để lên kế hoạch cắt bỏ khối u. Ngoài ra, sau khi xác định khối u, bác sĩ cũng sẽ tiến hành sinh thiết để khẳng định ung thư.
Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư: Ngoài các phương pháp kể trên, chúng ta còn có thể phát hiện dấu ấn ung thư tụy thông qua xét nghiệm máu, cụ thể là chỉ số CA 19-9.
Ở người lớn CA 19-9 chỉ có một lượng nhỏ trong một số cơ quan như tụy, gan, bàng quang và phổi. CA 19-9 là dấu ấn ung thư đầu tiên của ung thư tụy. Vì vậy, khi có các biểu hiện lâm sàng như cơ thể suy nhược, ăn không ngon, chán ăn, mệt mỏi kéo dài, cổ trướng, vàng da, nước tiểu sẫm màu, phân trắng, bạc màu, sốt liên tục không rõ nguyên nhân, đau co thắt vùng ổ bụng thường xuyên, liên tục,... bệnh nhân nên làm xét nghiệm CA 19-9 để phát hiện sớm ung thư tụy.