Loài người trong vòng vây của chính mình
Con người là thành quả rốt ráo của sự tiến hoá, đã vượt lên muôn loài. Quân bình sinh thái đã mất. Phải cạnh tranh sinh tồn. Tránh bầu khí quyển nóng lên… loài người tìm đến năng lượng sạch của nhà máy hạt nhân. Thảm họa Fukushima trước mắt. Loài người trong vòng vây của chính mình.
Thuyền địa cầu đã khẳm
Nếu 3,5 tỉ năm lịch sử sự sống trên trái đất thun lại còn một phút thôi. Có 50 giây cho sự sống đa bào tiến hoá, đến bốn giây nữa cho loài xương sống lên cạn. Vào 0,002 giây sau cùng thì con người “hiện đại” mới xuất hiện. Rồi sinh sôi không kềm chế được. 300 triệu người vào 1.000 năm trước so với 6,8 tỉ ngày nay. Từ 6,8 tỉ bây giờ đến 10,5 tỉ vào giữa thế kỷ.
Cách mạng Xanh chưa đủ xanh. Năm 1968, nhà sinh học Paul Erlich tiên liệu: “Cuộc chiến nuôi ăn cho toàn thể nhân loại đã kết thúc. Những năm 1970 và 1980, hàng trăm triệu người sẽ chết đói”. Tiên đoán có cơ sở, nhưng bị trật. Norman Borlaug và êkíp đã gây được giống lúa mì năng suất cao và tổng hợp phân nitơ để bón các vụ mùa. Borlaug đã cứu mạng hàng triệu người trên địa cầu. Ông là cha đẻ của Cách mạng Xanh. Năm 1970, Borlaug nhận giải Nobel Hoà bình. Vào sinh nhật thứ 95, ông vẫn trăn trở: “Sức sinh sản mạnh mẽ đe doạ huỷ hoại bất cứ tiến bộ nào".
Trái đất ấm lên. Các hoạt động của con người làm tăng lượng các khí gây hiệu ứng nhà kính. Hơn 7 tỉ tấn CO2 được thải ra mỗi năm từ việc tiêu thụ năng lượng khoáng sản, thêm 1,6 tỉ tấn do khai thác đất đai. Nhiệt độ bề mặt trái đất tăng thêm. Tiến sĩ Chan, tổ chức Y tế thế giới: “Thay đổi khí hậu gây nguy hại cho sức khoẻ con người”. Trái đất ấm lên từ từ, tai hoạ thì bất ngờ: giông bão, lụt lội và nóng bức tác động lên không khí, nước, thức ăn, chỗ ở.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Liên hiệp quốc bảo trợ đã bế mạc ngày 19.12.2009 tại Copenhagen, thủ đô Đan Mạch. Cuộc thảo luận Maratông 13 ngày, 193 quốc gia. Toàn thế giới đều lo nguy cơ: khí hậu thay đổi. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nói: “Thoả thuận Copenhagen không đáp ứng đúng niềm hy vọng của bất cứ ai, nhưng đây là điểm khởi đầu quan trọng”.
Tìm nguồn năng lượng sạch
Nhật bản có 54 nhà máy hạt nhân cung cấp 30% lượng điện toàn quốc. Có kế hoạch tăng 41% năm 2017, đến 50% năm 2030. Có một mục tiêu lớn. Năng lượng hạt nhân sẽ làm giảm 54% khí thải CO2 vào năm 2050, và đến 90% vào 2100. Một viễn tượng đẹp.
Tổng thống Barack Obama ra lệnh cho uỷ ban Kiểm tra hạt nhân nghiên cứu tình hình của 104 nhà máy hạt nhân, trên 31 tiểu bang khi có động đất hoặc các thảm hoạ khác. Năng lượng hạt nhân tạo ra 20% lượng điện quốc gia. Tại cuộc họp báo “Tương lai của năng lượng hạt nhân” ngày 14.4.2011 tại Nhà Trắng, chuyên gia Kevin Book nói là Tổng thống Obama hướng về năng lượng hạt nhân, dầu có thảm hoạ tại nhà máy Fukushima. Kiên trì chiến lược năng lượng sạch.
Từ năm 2001 cụm từ sự tái sinh hạt nhân được dùng chỉ sự hồi sinh công nghệ năng lượng hạt nhân, do giá dầu lửa tăng cao và băn khoăn về hiệu ứng nhà kính. Người Pháp nói: “Chúng tôi không có than đá, chúng tôi không có dầu khí, chúng tôi không có chọn lựa nào khác”. Nhiều lò đang xây ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nga. Thảm hoạ Fukushima làm khựng lại mọi thứ.
Những chùm tia thần bí
Năm 1895, giáo sư W. K Roentgen người Đức khám phá tia X nhận giải thưởng Nobel Vật lý đầu tiên. Bà Marie Curie tìm ra chất radium. Radium tiếng Latinh có nghĩa là tia. Chính Marie dùng từ radioactivité để chỉ sự phát tia (phóng xạ). Bà nhận Nobel Hoá học năm 1911.
Con người được hưởng nhiều. Tia X và chất radium mở ra kỷ nguyên mới: xạ trị là dùng chùm tia để điều trị ung thư. Ernest Rutherford đặt tên cho hai chùm tia alpha và bêta phát ra từ chất thorium. Ông cũng đặt tên chùm tia gamma phát từ radium. Chất này phát ra cả ba loại chùm tia. Riêng gamma có sức xuyên thấu mạnh dùng điều trị ung thư. Cobalt 60, Cesium 137 đều phát tia gamma. Các máy xạ trị được đặt trong điều kiện an toàn bức xạ tuyệt đối.
Ngoài tầm kiểm soát. Nhà máy hạt nhân Fukushima hư hại, chất phóng xạ I-131 và Cesium-137 bị tung vào bầu khí quyển, gây nhiễm xạ cho các vùng lân cận và được gió đưa đi xa hàng trăm dặm, nước nhiễm xạ đổ ra biển... Iốt phóng xạ có thể gây ung thư tuyến giáp trạng, nhất là trẻ em hít thở vào. Chất iốt phóng xạ có thời gian bán huỷ ngắn, chỉ trong vòng từ 7 – 20 ngày là có thể tan hết trong không gian. Còn Cesium-137 có thời gian bán huỷ lâu đến 30 năm khi phát tán sẽ tồn tại lâu dài trong môi trường, phóng ra các tia gamma hại cơ thể. Đặc biệt tấn công và phá huỷ các tế bào non trong tuỷ xương. Trong năm năm có thể có cơn bùng phát ung thư máu (bệnh bạch cầu) và khoảng 15 năm có thể xuất hiện các loại ung thư khác: phổi, vú, não và xương.
Edward Wilson, đại học Harvard, nhà sinh học hàng đầu thế giới về sự đa dạng sinh học, bức xúc: “Nếu các côn trùng biến đi, môi trường sinh thái sẽ chao đảo và suy sụp. Nếu cả nhân loại biến đi, thế giới sẽ tái sinh với tình trạng thăng bằng có từ mười ngàn năm trước”.
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng
Sài Gòn tiếp thị