Lo “phát sốt” vì tinh hoàn bị sưng đau

(Dân trí) - Chàng trai trẻ 23 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) trải qua 4 ngày lo lắng tột độ bởi một bên tinh hoàn sưng to do quai bị. Để đánh giá có bị biến chứng teo tinh hoàn hay không, bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ sau này.

TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân B.T.T (sinh năm 1994) nhập viện hôm 10/2 bởi một bên tinh hoàn sưng to khiến bệnh nhân đau đớn.

Trước đó 4 ngày bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng quai bị đầu tiên, sau khi tiếp xúc với người bạn mắc quai bị. Sau vài ngày sưng đau tuyến nước bọt mang tai, sốt, bệnh nhân thêm triệu chứng đau tinh hoàn. Gia đình vội đưa bệnh nhân vào khám vì sợ vô sinh.


Sưng đau tinh hoàn là biến chứng khiến nam giới lo lắng nhất khi mắc quai bị. Ảnh: M.T

Sưng đau tinh hoàn là biến chứng khiến nam giới lo lắng nhất khi mắc quai bị. Ảnh: M.T

TS Cường cho biết, sau 4 ngày điều trị sức khỏe bệnh nhân ổn định nhưng tuyến nước bọt mang tai, tinh hoàn vẫn còn đau. Bệnh nhân cần theo dõi về lâu dài về sau xem có khả năng dẫn đến vô sinh.

Thông thường, sau 4 - 5 ngày sốt vì quai bị, sưng tuyến nước bọt mang tai bệnh nhân sẽ ngắt sốt. Nếu sau đó có biểu hiện sốt lại, đa phần xuất hiện luôn triệu chứng sưng tinh hoàn, bệnh nhân rất đau.

“Teo tinh hoàn là nỗi lo lắng lớn nhất của nam giới trưởng thành khi mắc quai bị. Bởi khi vi rút tấn công, tinh hoàn sưng to gấp 2 - 3 lần bình thường, người bệnh rất đau. Sau 7 ngày, dù không điều trị tinh hoàn cũng tự xẹp. Còn khi vào viện, bệnh nhân được điều trị chống viêm để giảm tình trạng sưng đau. Tuy nhiên, dù được điều trị cũng chưa thể đánh giá được biến chứng teo tinh hoàn sau này”, TS Cường nói.

Theo đó, biến chứng sưng đau tinh hoàn rất phổ biến ở nam giới trưởng thành (30%), thanh niên đã dậy thì với 70% chỉ sưng một bên, còn lại sưng cả 2 bên.

“Nguy cơ cao hơn ở những người sưng đau cả hai bên tinh hoàn”, TS Cường cho biết.

Tuy nhiên, không phải ai bị sưng viêm tinh hoàn cũng có thể dẫn đến vô sinh.

Còn ở phụ nữ, quai bị có thêm nguy cơ viêm buồng trứng.

Ngoài biến chứng trên, các bệnh nhân bị quai bị có thể bị biến chứng viêm tụy cấp, viêm não, viêm màng não (rất ít gặp).

“Khi bị quai bị, thấy xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội, nôn, hãy cảnh giác với nguy cơ viêm tuỵ. Còn viêm não, màng não rất hiếm gặp. Trong 20 năm làm nghề tôi chỉ gặp một bệnh nhân quai bị bị biến chứng viêm não dẫn đến hôn mê, tử vong”, TS Cường chia sẻ.

TS Cường cho biết thêm, quai bị dễ lây truyền qua đường hô hấp. Có những người khỏi quai bị cả tuần trong tuyến nước bọt vẫn còn vi rút gây bệnh. Vì thế việc cách ly, hạn chế tiếp xúc, giữ vệ sinh là cần thiết để phòng bệnh. Bên cạnh đó những người trưởng thành chưa mắc quai bị nên được tiêm vắc xin để phòng ngừa.

Có nên gửi tinh trùng khi tinh hoàn sưng đau?

Điều này không nên bởi nguy cơ teo tinh hoàn không xảy ra với tất cả bệnh nhân, chỉ một số ít. Hơn nữa, trong thời kỳ sưng đau, tránh mọi kích thích, cơ thể cần nghỉ ngơi để giảm ảnh hưởng tới tinh hoàn.

Cũng tuyệt đối không tự dùng thuốc chống viêm vì nó không có tác dụng ngăn lại biến chứng, vì bệnh là do vi rút gây ra, không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng.

Hồng Hải