Lỗ hổng kiểm soát thuốc kém chất lượng
Ngoài vấn đề “ma trận” giá thuốc bán lẻ, người tiêu dùng còn đau đầu bởi cứ một thời gian lại có thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc không đạt chất lượng. Có không ít loại thuốc đã có quyết định thu hồi song vẫn “lọt” đến với tay người bệnh.
Thuốc bị thu hồi: Ai giám sát?
Hiện nay, người tiêu dùng đang bị “bủa vây” bởi rất nhiều loại thuốc kém chất lượng. Đa số các loại thuốc bị thu hồi do không đạt các chỉ tiêu như hàm lượng, độ hòa tan, định lượng…
Thực tế cho thấy việc thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi này được công bố trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng thế nhưng tình hình thu hồi ra sao, số lượng thu hồi các loại thuốc này là bao nhiêu, tốc độ thu hồi thế nào thì lại không thấy các lực lượng chức năng công bố. Theo Điều 9, Mục 1, Chương 2, Nghị định 93/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế, hành vi không thực hiện hoặc không báo cáo kết quả thu hồi thuốc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Từ năm 2008 - 2009 có gần 200 lô thuốc bị thu hồi; năm 2010 có hơn 900 loại thuốc bị thu hồi. Theo số liệu của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế công bố thì trong năm 2011, Cục Quản lý Dược đã quyết định thu hồi 72 tên thuốc. Năm 2012, tính đến ngày 12/12/2012, Cục Quản lý Dược đã thông báo quyết định thu hồi 42 tên thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. |
Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, thuốc viên nén bao phim Metformin Denk 500 (Metformin HCl) do Công ty Denk Pharma GmbH & Co. KG. Germany sản xuất, Công ty TNHH một thành viên Dược phẩm TW II nhập khẩu đã bị đình chỉ lưu hành vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan. Thuốc viên nén bao phim Tencefin 200 (Cefpodoxime Tablets) do Công ty ATOZ Pharmaceuticals Pvt. Ltd. India sản xuất, Công ty CP Dược vật tư y tế Quảng Nam nhập khẩu cũng bị đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu khối lượng trung bình viên và định lượng. Thế nhưng khi tìm kiếm từ khóa tên hai loại thuốc này trên mạng thì ngay lập tức “bác sỹ” Google đã cho ra rất nhiều kết quả các địa điểm còn bán những loại thuốc này.
Đó là còn chưa kể tới việc do không kiểm tra, giám sát kỹ khâu thu hồi nên hàng nghìn quầy thuốc nhỏ lẻ vẫn đang tồn đọng những loại thuốc bị cấm lưu hành. Thuốc sẽ tiếp tục chu trình lưu hành hay dừng lại bỗng chuyển thành “bài toán” y đức của người chủ hiệu thuốc chứ không phải thuộc về các cơ quan quản lý nữa. Thử hỏi có bao nhiêu dược sỹ có lương tâm, chấp nhận thiệt hại để tự động mang nộp các loại thuốc này hoặc tự động cho số thuốc ấy vào thùng rác? Ngược lại, sẽ có bao nhiêu quầy thuốc vẫn cố “găm” hàng rồi sẵn sàng bán chúng cho những người tiêu dùng chưa kịp tiếp cận với thông tin thuốc bị thu hồi?
Chính sự mập mờ trong việc thu hồi nên vẫn sẽ có hiệu thuốc lưu trữ những loại thuốc đã bị cấm lưu hành (ảnh minh họa)
Một điều đáng lưu tâm khác là từ khi những lô thuốc ấy được tung ra thị trường cho tới lúc bị thu hồi, trong khoảng thời gian ấy, đã có bao nhiêu người vô tình trở thành nạn nhân khi nuốt vào bụng, tiêm vào người những liều thuốc không đảm bảo chất lượng. Và việc thu hồi ở các nhà sản xuất, nhà phân phối, hiệu thuốc bán lẻ còn “chưa đâu vào đâu” thì sẽ thu hồi thế nào với trường hợp thuốc trong dân, khi mà thói quen của người Việt ta vẫn là đi mua thuốc không cần hóa đơn?
Không thể trở thành người tiêu dùng thông thái
Một bác sỹ đã từng có 40 năm công tác trong ngành y cho biết, việc thuốc thiếu các chỉ tiêu về hàm lượng như độ hòa tan, độ định lượng, nhiễm vi sinh… thì người tiêu dùng không thể nào biết được. Bởi ngay cả các bác sỹ, các dược sỹ cũng không thể phân biệt được thuốc nào đạt chất lượng hay chưa mà phụ thuộc hoàn toàn vào công tác kiểm định thuốc. Do vậy, trong trường hợp này không thể đòi hỏi người tiêu dùng trở nên thông thái.
Khi được hỏi về việc thuốc đã bị cấm lưu hành và có quyết định thu hồi nhưng vẫn đến tay người tiêu dùng, ông tỏ ra vô cùng bức xúc: “Thuốc là một hàng hóa đặc biệt chứ không phải hàng hóa tiêu dùng khác. Thuốc đã thu hồi mà anh cứ bán cho người ta là vô đạo đức. Đây là tính mạng con người nên không thể đùa được, cũng không thể đổ lỗi rằng do không biết, do tham lam, kinh doanh thất thu… Lấy tính mạng người khác để thực hiện lợi ích cá nhân thì không ai chấp nhận được”, ông nhấn mạnh.
Cũng theo ông, các nhà quản lý hiện nay ra chính sách chỉ như để thông báo hoặc báo động trước để tạo điều kiện cho nhà sản xuất, phân phối tìm cách để tiếp tục giả dối, chống đối và luồn lách. Bởi nếu chỉ thông báo mà không có giám sát, xử lý nghiêm khắc thì không thể phát hiện ra sai phạm và xử phạt kịp thời. Ông cho rằng thông báo các loại thuốc bị cấm lưu hành trên báo chí chỉ chiếm 50% còn đi kiểm tra, xử lý là 50% còn lại để những loại thuốc kém chất lượng thực sự không còn đường sống. Đối với những nơi vi phạm thì cần nghiêm khắc không cho phép tiếp tục hành nghề để làm gương răn đe.
Thuốc kém chất lượng chỉ bị phát hiện do kiểm nghiệm nên người tiêu dùng không thể thông thái chọn mua thuốc đạt chuẩn (ảnh minh họa)
Còn theo PGS. TS - BS Nguyễn Hòai Nam, Cố vấn Y khoa BV Quốc tế Minh Anh thì hiện nay Việt Nam vẫn còn đang coi nhẹ loại tội phạm về thuốc. Chính điều đó đã tạo nên một “thảm họa” khi mà thuốc đã bị cấm lưu hành thì vẫn tiếp tục lưu hành, bị thu hồi nhưng vẫn được bày bán. Ông cũng cho rằng thời gian từ khi phát hiện thuốc kém chất lượng cho đến khi có thông báo rộng rãi là khá lâu nên tạo điều kiện để những nhà sản xuất, phân phối kịp tẩu tán thuốc đến vùng sâu vùng xa. Theo ông, lời giải cho bài toán thu hồi thuốc phụ thuộc vào các cơ quan chức năng của Nhà nước. Chỉ khi xây dựng được một quy trình liên hoàn, không còn kẽ hở giữa các khâu thì mới đẩy nhanh thời gian và hiệu quả của công tác thu hồi thuốc kém chất lượng.
Theo Thanh Thu
Chất lượng Việt Nam